Cảm xúc về Tết Trung thu đặc biệt

Rằm tháng Tám năm nay, các hoạt động vui Tết Trung thu phải dừng tổ chức để phòng, chống dịch Covid-19, các văn nghệ sĩ tỉnh Bắc Kạn có nhiều tâm sự, cảm xúc về dịp trung thu đặc biệt này…

Tác phẩm “Vui hội trăng rằm” của tác giả Thanh Sơn (ảnh Tết Trung thu 2018)
Tác phẩm “Vui hội trăng rằm” của tác giả Thanh Sơn (ảnh chụp dịp Tết Trung thu 2018).

Những năm trước đây, ngay từ đầu tháng 8 âm lịch, trên nhiều nẻo đường đã rộn rã tiếng trống gọi Tết Trung thu, theo đó là các đội lân tổ chức nhảy múa phục vụ các em nhỏ. Đây cũng là dịp mà các văn nghệ sĩ có nhiều cảm xúc chân thực để sáng tác. Tuy nhiên, Trung thu năm nay các hoạt động dừng lại, tất cả đặt sức khỏe và an toàn lên hàng đầu.

Là một người có tình yêu đặc biệt với nghệ thuật nhiếp ảnh, tác giả Thanh Sơn được biết đến với những tác phẩm ảnh sinh động và rực rỡ. Mỗi dịp Tết Trung thu, anh thường tranh thủ lưu lại những hình ảnh đẹp về niềm vui hân hoan của các em nhỏ. Cũng từ những đêm rằm đó, nhiều tác phẩm ảnh của anh đã ra đời. Chia sẻ về Tết Trung thu năm nay, anh cho biết: "Hằng năm, cứ gần đến Trung thu là không khí rộn rã. Từ đầu tháng 8 âm lịch, khi đội múa lân dạo bắt đầu gõ trống là tôi đã chở các con đi xem. Đến ngày nghỉ có khi còn tranh thủ ra các cửa hàng bày bán đèn lồng, đèn ông sao để chụp vài bức ảnh đẹp. Đêm Trung thu tôi thường không ở nhà mà mang máy ảnh đi chụp những đoàn rước đèn… Năm này thì khác, gia đình tôi dự định vẫn chuẩn bị cho các con đèn ông sao và mâm cỗ trung thu nhỏ gồm bánh dẻo, bánh nướng, quả hồng, quả bưởi. Cả nhà quây quần trò chuyện cùng nhau. Dù không có những tác phẩm ảnh hay không khí tưng bừng như mọi năm, nhưng tin rằng sẽ ấm áp và yêu thương gia đình hơn. Nhân dịp này tôi cũng sẽ tranh thủ chụp nhiều bức ảnh gia đình để lưu giữ lại. Dù sao cũng thấy thật may mắn vì mình vẫn ở “vùng xanh” và có đêm rằm bình yên, hạnh phúc".

Còn với tác giả Duy Thành, những năm trước đây, mỗi dịp Tết Trung thu cũng là những ngày bận rộn vì “chiều ý” các con. Qua nhiều đêm rằm rộn rã đó, anh đã sáng tác bài thơ Trung thu. Thông qua những câu thơ hồn nhiên, trong trẻo, bạn đọc đã được thấy cả đêm rằm vui tươi, phấn khởi với nhiều hoạt động quen thuộc:

“Tùng tùng trống giục

Tiếng chiêng rộn ràng

Chú lân nhảy múa

Chung lời ca vang”...

Trung thu năm nay, gia đình anh Duy Thành cũng có những dự định riêng: "Hai vợ chồng tôi và các con sẽ cùng ngồi xem múa lân qua tivi, rồi phá cỗ và kể cho các con về Tết Trung thu ngày bé. Có lẽ, đây sẽ là năm đầu tiên cả nhà có thời gian quây quần, thưởng thức bánh trung thu, chắc hẳn không khí sẽ đầm ấm như khi tôi còn là cậu bé lên 5 lên 10. Nhân dịp này, chúng tôi sẽ trò chuyện với các con về những khó khăn và thiệt thòi của nhiều bạn nhỏ ở vùng dịch, để các con không buồn khi không được rước đèn hay xem múa lân. Mong rằng Trung thu năm sau sẽ trở lại thật tưng bừng, phấn khởi”.

Tác giả trẻ Bàn Thị Dương sau nhiều năm xa nhà vào ngày “Tết đoàn viên” thì năm nay đã có dịp đón Trung thu cùng bố mẹ. Cô sinh viên năm cuối chia sẻ: Tôi đi học nội trú từ cấp 2 nên đã lâu lắm rồi không đón Trung thu ở nhà. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, nên hiện tôi vẫn học online, nhờ đó mà năm nay tôi sẽ có dịp cùng mẹ chuẩn bị mâm cỗ Trung thu, thật hạnh phúc biết bao. Dù không có múa lân rộn rã, các em nhỏ cũng không được rước đèn nhưng tôi tin rằng Trung thu năm nay sẽ trở nên ấm áp hơn khi tình yêu thương vẫn luôn lan tỏa ở khắp mọi nơi. Rằm tháng 8 này, tôi và các đoàn viên, thanh niên đã dự định tổ chức một buổi liên hoan nhỏ cho các em thiếu nhi trong xóm nhưng đành phải hoãn lại. Dù rất tiếc nhưng chúng tôi hiểu rằng, việc đảm bảo an toàn cho mọi người là quan trọng hơn cả. Mong sao dịch bệnh sớm qua đi để Tết Trung thu năm sau và nhiều năm sau nữa các em thiếu nhi có được niềm vui trọn vẹn"...

Bích Phượng

Xem thêm

Video

Đọc báo in