Mỗi tác phẩm nghệ thuật đều được tác giả gửi gắm những thông điệp riêng. Tranh của tác giả Văn Học cũng vậy, nhất là những bức tranh vẽ về đề tài gia đình, dù ở khung cảnh khác nhau, những tác phẩm của anh đều mang đến cảm xúc bình yên và khát khao được trở về mái nhà hạnh phúc…
Tác phẩm “Khi mẹ vắng nhà” của tác giả Văn Học. |
Lường Văn Học là hội viên tiêu biểu của chuyên ngành Mỹ thuật trong những năm gần đây. Dù mới xuất hiện nhưng tranh của anh đã để lại nhiều ấn tượng với những nét đặc trưng riêng. Hiện, tác giả Văn Học đang sinh sống tại huyện Pác Nặm, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, không lạ khi tranh của anh hướng nhiều đến văn hóa và con người vùng cao. Trong số nhiều bức tranh anh đã cho ra mắt, cuộc sống sinh hoạt của đồng bào các dân tộc thiểu số được tác giả khắc họa sinh động và thu hút, nếu chú ý nhiều hơn sẽ thấy anh thường vẽ các gia đình miền núi. Ở các tác phẩm đó, người xem như trở về tuổi thơ, với những tháng năm bình yên dưới mái nhà nhỏ, dù vất vả nhưng hạnh phúc.
Tác giả Văn Học vẽ không nhiều, mỗi tác phẩm dường như anh vẽ bằng tất cả niềm say mê, trí tưởng tượng và cảm xúc chân thành. Sinh sống tại một huyện khó khăn, cuộc sống đời thường của đồng bào vùng cao thường được anh đưa vào tác phẩm. Vẽ về đề tài gia đình, anh thường lấy khung cảnh là ngôi nhà, ở đó biết bao sinh hoạt thường nhật được ghi lại. Đó là em nhỏ tay cầm chiếc dép hỏng “Trông ngóng” bố mẹ làm đồng trở về; là phút giây chăn gà, chăn vịt “Khi mẹ vắng nhà”; là hình ảnh hạnh phúc “Nắng sớm” mẹ địu con phơi chiếc váy truyền thống của dân tộc; hay “góc bếp nhỏ” có em bé ngoan đang tự chơi đợi mẹ thổi cơm… Ở tác phẩm nào của anh cũng là ngôi nhà giản dị, nhà gỗ, nhà sàn hay nhà vách đất đều mang dáng hình đơn sơ, đậm bản sắc vùng cao. Điểm đặc biệt hơn cả là các nhân vật trong tranh của tác giả Văn Học luôn mang đến sự bình yên cho người thưởng thức. Gương mặt mỗi nhân vật dù không phải đang cười nhưng toát lên sự hài lòng và tràn đầy tình yêu thương, gia đình luôn là nơi mang đến sự bình yên, hạnh phúc dù còn nhiều khó khăn, vất vả phía trước, có lẽ đó chính là thông điệp mà tác giả Văn Học muốn nhắn gửi trong các bức vẽ về đề tài gia đình của mình.
Chia sẻ về các tác phẩm, anh Học cho biết: "Khi vẽ tôi thường tưởng tượng những hình ảnh đẹp về các gia đình, đồng thời hoài niệm về tuổi thơ của chính mình. Có lẽ cũng vì thế tranh của tôi luôn mang đậm dấu ấn vùng cao, các gia đình sống dưới mái nhà đơn giản, không phải nhà tầng rộng lớn mà những ngôi nhà ngang, đi ra đi vào luôn nhìn thấy nhau, cuộc sống vất vả nhưng mọi thành viên đều cố gắng hoàn thành việc của mình, tâm trí luôn bình yên và nỗ lực vun đắp hạnh phúc gia đình. Bức tranh “Khi mẹ vắng nhà”, chỉ là hình ảnh quen thuộc khi bố mẹ đi nương, chị gái thay mẹ chăn gà, trông em, tôi muốn dùng ngôn ngữ hội họa để gửi gắm đến người xem về niềm hạnh phúc gia đình, là những em bé khỏe mạnh, ngoan ngoãn, là mái nhà để trở về, là có nơi để yêu thương".
Không chỉ mang nội dung sâu sắc, khi thưởng thức tranh của tác giả Văn Học, người xem sẽ gặp nhiều nét văn hóa truyền thống được anh khéo léo lồng ghép vào tranh, từ đó biết thêm về “cái đẹp” của đồng bào vùng cao. Ngoài ra, anh còn sử dụng màu sắc trầm ấm khi vẽ về đề tài gia đình, từ đó mang đến sự thu hút và cảm xúc hoài niệm khi người xem bước vào thế giới tranh mang tên Lường Văn Học./.
Bích Phượng