Để có được sáng tác chất lượng, các văn nghệ sĩ trong tỉnh luôn có những chuyến đi đến những thôn, bản vùng sâu, vùng xa. Từ các buổi đi thực tế, thấy quê hương đổi thay theo từng năm tháng, cùng với sự phấn khởi và đồng cảm với người dân, nhiều văn nghệ sĩ đã lưu lại trong sáng tác của mình.
“Bắc Kạn nhớ trong lòng người già
Bắc Kạn yêu trong lòng con trẻ
Sắc chàm xanh nói lời của mẹ
Gọi em về trong nỗi nhớ khi xa”
Đây là những câu thơ gieo vào lòng người đọc sự háo hức, xốn xang khi nhớ về Bắc Kạn trong bài "Đến Bắc Kạn" của nhà thơ Dương Khâu Luông. Tác phẩm là lời mời gọi thật tinh tế, chân thành qua những câu thơ được lồng ghép khéo léo về lịch sử, thiên nhiên, con người và văn hóa, tạo nên ấn tượng sâu sắc với người đọc về mảnh đất, con người nơi đây.
Trong tác phẩm, nhà thơ sử dụng biện pháp tu từ nhân hóa để khắc họa rõ nét mối liên hệ giữa cảnh sắc nên thơ với những dấu ấn lịch sử đầy tự hào. Điều đó đã tạo nên sự liên tưởng gần gũi, gợi nhớ về một thời đất và người Bắc Kạn trải qua chiến tranh gian truân, vất vả. Đặc biệt, tác giả còn đầy ẩn ý qua hai câu thơ: “Câu dân ca gọi em về với bản/Điệu Then nào cũng muốn hát lời vui”, từ đó gợi lên một vùng đất có bề dày lịch sử và văn hóa, ấm áp tình người.
Bắc Kạn là một tỉnh miền núi với nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, những năm trước đây, cuộc sống của bà con rất khó khăn, điều đó đã được tác giả Văn Lợi đưa vào thơ rất chân thực và dí dỏm:
“Bản Mông của tôi
Đá nhiều hơn đất
Lên dốc mệt nhọc
Xuống dốc đứt hơi…”
(Bản Mông của tôi - Văn Lợi)
Sau những câu thơ chia sẻ khó khăn về đường giao thông, về cái nghèo, cái đói, sự tăm tối cả tri thức và đời sống hằng ngày như: “Bao đời chật vật”; “Ăn sương, uống sương”…, thì đến nay, bản Mông đã có sự đổi thay rõ rệt khi: “Đường đổ bê tông/Xe máy vượt dốc/Đưa con đến trường” hay “Điện về thắp sáng/Cơm đã đầy nồi”. Trong bài thơ, tác giả Văn Lợi không gọi cụ thể một tên địa danh nào, điều đó cho thấy đây là những thay đổi chung của nhiều nơi trên địa bàn tỉnh ta. Bắc Kạn nay đã khác xưa nhiều lắm, những con đường bê tông nội thôn, nội đồng ngày một nhiều, người dân từng ngày phấn khởi đưa con đến trường, đón nhận ánh sáng văn minh…
Trong không khí tưng bừng hướng đến 25 năm tái lập tỉnh, tác giả Hà Sỹ Thuyết cũng gửi gắm nỗi niềm vào bài thơ “Bắc Kạn một thời xa”. Trong tác phẩm, ông đưa người đọc về lại quê hương cách mạng với tinh thần đoàn kết, anh dũng của người dân. Thời điểm ấy, Bắc Kạn có “Dãy phố nhà tranh xung quanh hầm trú ẩn”; “Lớp học rừng sâu tháng năm sơ tán”; “Cây cầu Phà bom Mỹ dội nát tan”. Nhưng Nhân dân trong tỉnh vẫn kiên cường “Nhịp cầu treo bắc lại nối bờ vui”; “Nụ cười công nhân lấm lem than bụi/Áo thợ bạc màu hối hả vào ca”; “Cô dân quân khoác súng cấy đồng xa”; “Lúa vẫn thẳng hàng cánh đồng hợp tác”… Để từ ấy, thốt lên đầy tự hào khi nhớ về quê hương:
“Khắc lòng sâu bao ký ức đạn bom
Dòng sông Cầu vẫn trong xanh thơ mộng
Thành phố trẻ đang căng tràn nhựa sống
Có một thời như thế Bắc Kạn ơi!”
(Bắc Kạn một thời xa - Hà Sỹ Thuyết)
Cùng với Văn học, chuyên ngành Nhiếp ảnh và Mỹ thuật cũng có những tác phẩm đặc sắc hướng đến dịp kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh. Trong tranh cổ động mới nhất của họa sỹ Trần Ngọc Kiên, tỉnh ta ngày nay nổi bật với những ngôi nhà khang trang, dãy núi xanh, nhà sàn cổ kính và cánh chim hòa bình phấp phới như thể hiện niềm tự hào của những người con Bắc Kạn khi nhắc về quê hương. Theo tác giả, đây cũng là mong muốn của anh hướng đến một Bắc Kạn ngày càng phát triển về kinh tế - xã hội, đồng thời vẫn lưu giữ được thiên nhiên, môi trường và bản sắc văn hóa.
Thời gian tới, các văn nghệ sĩ tỉnh ta tiếp tục có những trải nghiệm thực tế với nhiều địa điểm khác trong tỉnh. Thông qua những chuyến đi ấy, tin rằng sẽ có nhiều tác phẩm nghệ thuật chất lượng hơn nữa hướng về đất và người Bắc Kạn./.
Bích Phượng