Tết đến Xuân về, đất trời thay màu áo mới, các văn nghệ sĩ cũng thêm nguồn cảm hứng để sáng tạo nên những tác phẩm văn học chào năm mới. Đối với văn nghệ sĩ Bắc Kạn, đề tài về Tết cổ truyền luôn gắn liền với bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc, nhờ đó tạo nên những dấu ấn đặc sắc riêng biệt.
Tác phẩm ảnh “Gói bánh chưng trong ngày Tết” của tác giả Ngô Đức Mích. |
Là tỉnh miền núi với đa số là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, chính vì vậy những đề tài về văn hóa các dân tộc luôn nhận được sự ưu ái đặc biệt của văn nghệ sĩ Bắc Kạn. Thông qua ống kính máy ảnh, bài thơ, truyện ngắn hay bức tranh nghệ thuật… nét đẹp của con người, văn hóa các dân tộc vùng cao đã được khắc họa, lưu giữ và lan tỏa tới mọi miền đất nước. Tết âm lịch hằng năm cũng là đề tài đặc sắc để các văn nghệ sĩ sáng tạo nên nhiều tác phẩm chất lượng, đồng thời tô đậm hơn nữa cái hay, cái đẹp về “Tết truyền thống” của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Ngày xuân năm mới, là thời gian vui chơi, nghỉ ngơi đón Tết của người dân. Khi bà con nô nức chuẩn bị đón Tết cũng là lúc các tác giả thuộc chuyên ngành Nhiếp ảnh và Mỹ thuật bận rộn. Rất nhiều chuyến đi thực tế sáng tác đã được thực hiện, từ đó nhiều bức ảnh, bức tranh đặc sắc đã ra đời. Qua ống kính máy ảnh, những khoảnh khắc đẹp, tự nhiên và ấn tượng của đồng bào đã được ghi lại. Thông qua đó, người xem trầm trồ với lễ hội dân gian, với phiên chợ Tết, với trang phục truyền thống và cả những phong tục tập quán riêng của từng dân tộc thiểu số. Các tác giả chuyên ngành Mỹ thuật lại mang đến góc nhìn thú vị cho người xem. Từ những hình ảnh quen thuộc như: Trang phục truyền thống, gói bánh chưng, trang trí nhà đón Tết… các bức tranh mang đến thông điệp và những câu chuyện khác nhau; thể hiện nhiều nét bản sắc văn hóa truyền thống, đem lại góc nhìn riêng biệt, thú vị cho độc giả.
“Chợ Tết chào hỏi nhau qua
ánh mắt
Đôi má hồng bẽn lẽn làm duyên
Anh với em
Gặp nhau từ những chợ phiên
Gọi tên nhau bằng kèn lá…”
(Tháng Giêng-
Phùng Thị Hương Ly)
Những bản sắc truyền thống của Tết đã được các tác giả gửi gắm trong từng câu thơ, truyện ngắn, tản văn da diết và có chút hoài niệm. Thông thường ở chuyên ngành Văn học, Tết sẽ gắn với nhiều phong tục tập quán xa xưa. Dường như các tác giả mong muốn người đọc biết và tìm về những giá trị văn hóa quý báu và lâu đời đó. Thông qua các tác phẩm văn học, độc giả sẽ nhận ra: Tết của đồng bào dân tộc Dao không thể thiếu những tờ giấy đỏ để trang trí cho đồ vật trong nhà, dán lên từng cái cây trong vườn, lúc đó con người, thiên nhiên hân hoan mừng năm mới; Tết của bà con dân tộc Tày sẽ có bánh trời, bánh chưng gù, có lời hẹn ở đầu cầu thang; Tết của người dân tộc Mông có váy xòe đủ sắc, có ánh mắt lưu luyến trong ngày hội, có điệu múa khèn mạnh mẽ say lòng…
Bức tranh “Chợ tình” của tác giả Trần Ngọc Kiên. |
Cùng với những bản sắc văn hóa, Tết cổ truyền trong các tác phẩm văn học luôn mang đến khát khao được trở về sum họp bên gia đình. Những bài thơ, truyện ngắn đều nhắc độc giả về quê hương, người thân và gia đình. Nếu đi chợ phiên sẽ có lá dong xanh, đi vui hội có trứng nhuộm xanh đỏ. Việc chuẩn bị đón Tết sẽ mang bóng dáng mẹ cha vất vả… Dù đi đâu về đâu, dường như cứ thấy cả nhà đoàn tụ sum họp là Tết đã về.
“Bà em bận chất củi
Mẹ miệt mài muối dưa
Còn em lòng háo hức
Hình như xuân đã về”
(Sang xuân- Bàn Thị Dương)
Cùng với Nhiếp ảnh, Mỹ Thuật, Văn học các chuyên ngành khác cũng có nhiều tác phẩm sâu sắc, mang đậm dấu ấn bản sắc các dân tộc. Với mỗi chuyên ngành khác nhau, các tác giả đều phát huy thế mạnh của mình, khai thác từng nét đặc sắc trong văn hóa truyền thống để sáng tạo tác phẩm, nhờ đó những người thưởng thức lại thêm yêu văn hóa dân tộc và quê hương, đất nước.
Một năm mới đã đến, gạt hết những khó khăn, vất vả và nỗi buồn năm cũ, hãy cùng nhau đón Tết truyền thống thật ấm áp, an khang. Chúc cho văn học nghệ thuật tỉnh ta ngày càng phát triển, gặt hái thêm nhiều tác phẩm đặc sắc, chất lượng./.
Bích Phượng