Múa bát là loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian từ lâu đời của đồng bào dân tộc Tày. Những năm gần đây, điệu múa bát đang dần được khôi phục và phổ biến tại nhiều địa phương trong tỉnh Bắc Kạn. Tại Triển lãm “Sắc chàm nơi đầu nguồn sông Cầu” năm 2024 của nhóm họa sĩ Bắc Kạn, tác phẩm “Vũ điệu núi hoa” của họa sĩ Trần Ngọc Kiên đã để lại nhiều ấn tượng với du khách trong và ngoài tỉnh ghé thăm triển lãm.
Tác giả cho biết đã lên ý tưởng vẽ bức tranh khi chuẩn bị diễn ra Tuần lễ Văn hóa - Du lịch Bắc Kạn năm 2024, trong đó có màn múa bát với sự góp mặt của 1.000 nghệ nhân, diễn viên và người dân tham gia. Với trách nhiệm của một họa sĩ và là người con của tỉnh, anh mong muốn vẽ một tác phẩm về đề tài múa bát để lưu giữ, bảo tồn điệu múa cổ, tôn vinh giá trị văn hóa dân tộc của địa phương.
“Vũ điệu núi hoa” tạo ra sức hút đặc biệt với người xem tranh ngay từ lần đầu chiêm ngưỡng. Trên nền màu tím của núi cao, xen lẫn sắc đỏ của hoa rừng, năm cô gái Tày thắt đáy lưng ong, gương mặt trái xoan, ánh mắt lúng liếng say sưa múa bát. Vẻ đẹp của cô gái Tày vốn không rực rỡ, sắc sảo mà mang đến cảm giác dịu dàng, trong trẻo, đằm thắm. Những người phụ nữ kín đáo, giản dị vấn tóc lên cao, đôi tay nhỏ nhắn, cổ cao thanh mảnh, kiêu hãnh đeo chiếc vòng bạc, bên hông là xà tích đung đưa. Họa sĩ Trần Ngọc Kiên đã rất tài tình khi đưa vào tranh những chi tiết tưởng như rất nhỏ bé đó. Trong sắc chàm, sắc núi và sắc hoa, các cô gái Tày trở nên huyền ảo và thu hút đến kỳ lạ.
Nếu chú ý quan sát kỹ hơn, nhiều người thưởng thức tranh đã tinh ý nhận ra, mỗi cô gái trong tranh đều đang múa một động tác khác nhau. Năm cô gái mỗi người mỗi vẻ, uyển chuyển trình diễn: Tiên bay; dâng bát; chim bay; cọn nước, giã gạo. Trên tay mỗi người là chiếc bát và đôi đũa, hai đạo cụ không thể thiếu của điệu múa bát từ ngàn xưa. Các nghệ nhân và các thiếu nữ khi múa thường cầm trên tay đôi bát, đôi đũa tre để gõ theo nhịp điệu của các động tác múa rất uyển chuyển, duyên dáng.
Tác phẩm “Vũ điệu Núi Hoa” được họa sĩ Trần Ngọc Kiên vẽ bằng chất liệu Acrylic trên toan, có chiều rộng 80cm và chiều dài 180cm. Theo họa sĩ Trần Ngọc Kiên, chất liệu này thể hiện được nhiều sắc độ của màu, từ đó góp phần làm nổi bật hơn vẻ đẹp của núi rừng trong tác phẩm. Có thể thấy “Vũ điệu núi hoa” là sự kết hợp tinh tế giữa các gam màu, họa sĩ đã vẽ bức tranh với tất cả tình yêu, niềm đam mê và khao khát truyền tải bản sắc văn hoá truyền thống đến người xem tranh.
Tác phẩm của họa sĩ Trần Ngọc Kiên đã đem đến cho người xem góc nhìn đầy nghệ thuật về điệu múa truyền thống của đồng bào dân tộc Tày. Hình ảnh những người con của núi đang múa như những bông hoa đang khoe sắc giữa đại ngàn Việt Bắc. Cùng cảm nhận “Vũ điệu núi hoa” để khám phá thêm vẻ đẹp đắm say của điệu múa cổ, từ đó thêm yêu, thêm quý màu sắc riêng trong văn hóa truyền thống của người Tày tỉnh Bắc Kạn./.