Đề tài về người lính và chiến tranh là những phần không thể thiếu trong lịch sử dân tộc Việt Nam, đặc biệt là trong các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc. Những tác phẩm về chiến tranh, về người lính có tác dụng bảo tồn những ký ức lịch sử, giúp thế hệ sau hiểu hơn về những khó khăn, gian khổ mà các thế hệ đi trước đã trải qua. Đây cũng là cách để truyền tải các giá trị lịch sử, nhân văn và tinh thần yêu nước đến với cộng đồng.
Tại Bắc Kạn, đề tài này luôn được văn nghệ sĩ quan tâm, chú trọng. Thế hệ các tác giả đã từng bước qua chiến tranh đã khắc hoạ những gian nan, vất vả, khổ đau thời chiến qua từng vần thơ tràn đầy xúc cảm. Những năm gần đây, các tác phẩm văn học nghệ thuật Bắc Kạn về đề tài người lính đã có những bước chuyển mình mới. Các văn nghệ sĩ sáng tác nhạc, vẽ tranh, chụp ảnh, viết thơ, truyện ngắn về hình tượng người lính thời bình. Trong đó, có nhiều tác phẩm đã nhận được sự yêu mến và ghi nhận của người thưởng thức.
Tác phẩm ảnh “Trao gửi niềm tin” lưu lại giây phút xúc động của người lính trẻ khi lên đường đi nghĩa vụ quân sự, những nụ cười, ánh mắt lấp lánh thể hiện sự vui mừng, tin tưởng của người dân vào các “anh bộ đội”. Với bức ảnh chân thực, nghệ thuật đó, tác giả Thanh Bản đã đoạt giải Khuyến khích tại Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 23- năm 2024.
Chia sẻ về tác phẩm cũng như đề tài đã lựa chọn, Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Thanh Bản trầm ngâm: Với tôi từ lúc tuổi thơ đã được chứng kiến các thế hệ thanh niên bừng bừng khí thế lên đường ra trận trong cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược và có người đã không bao giờ trở về quê hương... Đến nay ở tuổi 66, tôi được tham dự Trại sáng tác VHNT của Liên Hiệp các hội VHNT Việt Nam tổ chức tại Lạng Sơn, được đến cột mốc biên giới cửa khẩu Chi Ma, điểm cao 424 tận mắt chứng kiến những chiến tích của cuộc chiến tranh biên giới, nơi đây anh linh của 11 anh hùng liệt sĩ đã nằm lại cột mốc này. Đến đây chúng tôi nghẹn lòng xúc động khi nhìn lên lá cờ Tổ quốc Việt Nam của chúng ta vẫn hiên ngang tung bay trong nắng gió, trong mây trắng trời xanh. Vì vậy đề tài về người lính và chiến tranh vẫn là một đề tài có chiều sâu mà chúng ta chưa khai thác hết...
Với chị Phùng Thị Hương Ly, một tác giả thơ tiêu biểu của tỉnh Bắc Kạn có nhiều tác phẩm về đề tài người lính và chiến tranh cách mạng thì đây là thách thức không nhỏ đối với người viết, đặc biệt là người viết trẻ. Chị Hương Ly đã cảm nhận và có nhiều tác phẩm xuất sắc về đề tài này, tiêu biểu trong đó là chùm thơ “Trên những hố bom”; “Thổ Sơn”; “Viết ở Tiểu đoàn 804”; các tác phẩm này đã đoạt giải cao nhất tại Cuộc thi thơ Văn nghệ Quân đội 2021-2022.
Chị Hương Ly cho biết: Trước những thực tế mà bản thân trải nghiệm, tôi thấy mình cần viết như một phần trách trách nhiệm của người cầm bút. Mặc dù chiến tranh đã lùi xa nhưng nỗi đau hậu chiến vẫn còn tồn tại, vẫn còn đó những người cựu binh mang trên mình vết thương không gì bù đắp nổi, còn những số phận màu da cam nhức nhối. Tôi từng được xem những thước phim về chiến tranh với nỗi ám ảnh khôn nguôi, video về cuộc sống của những cựu binh mang trên mình vết sẹo đạn bom, ngày vui vầy bên con cháu nhưng đêm đến lại không chợp mắt nổi vì giấc mơ hành quân cùng đồng đội… Tất cả những câu chuyện, những chi tiết đó đã thúc giục tôi cầm bút. Tôi viết bằng sự thấm thía, tri ân và tưởng nhớ về những thế hệ cha ông đã hy sinh cho hòa bình độc lập, tự do của dân tộc.
Trăn trở về đề tài sáng tác, hoạ sĩ Trần Ngọc Kiên đã có những chia sẻ chân thành: Các sáng tác về đề tài người lính, đặc biệt là gắn liền với những cuộc chiến tranh, trong suốt nhiều thập kỷ qua đã trở thành một phần quan trọng của văn học và nghệ thuật Việt Nam. Những tác phẩm này không chỉ phản ánh sự hy sinh, dũng cảm của người lính, mà còn truyền tải những thông điệp sâu sắc về tình yêu Tổ quốc, lòng trung thành và ý chí kiên cường.
Tuy nhiên, trong bối cảnh xã hội hiện đại, các tác phẩm này cũng cần có sự thay đổi để phù hợp hơn với những giá trị và thực tế mới. Trong một xã hội kết nối và toàn cầu hóa như hiện nay, các sáng tác có thể mở rộng đề tài, không chỉ giới hạn trong chiến tranh và xung đột. Người lính trong tác phẩm có thể là người đối diện với những thử thách khác, chẳng hạn như hòa bình xây dựng, bảo vệ chủ quyền trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế, hay đối diện với những cuộc chiến không vũ khí như chiến tranh thông tin, chiến tranh mạng.
Dù có sự thay đổi trong nhiều cách tiếp cận, nhưng những giá trị cốt lõi của đề tài người lính như lòng dũng cảm, hy sinh vì Tổ quốc, tình đồng đội và tình yêu quê hương, đất nước vẫn luôn giữ vai trò quan trọng. Những giá trị này cần được giữ gìn và truyền tải một cách thích hợp để phù hợp với xã hội hiện đại. Trong thời gian tới, cần nhiều hơn nữa những sáng tác mới từ các Văn nghệ sĩ Bắc Kạn để hình tượng người lính được khắc hoạ thêm chân thực, gần gũi, toả sáng giữa đời thường./.