Tết Thanh minh - nẻo về cội nguồn của người Dao

BBK - Hằng năm, vào những ngày cuối tháng 2, đầu tháng 3 âm lịch, đồng bào dân tộc Dao ở tỉnh Bắc Kạn lại rộn ràng đón Tết Thanh minh (sinh mình). Đây là phong tục truyền thống để con cháu báo hiếu với tổ tiên, nhớ về nguồn cội.

Tiết Thanh minh kéo dài khoảng 15 - 16 ngày, và ngày đầu tiên là Tết Thanh minh. Vì vậy, Tết Thanh minh của đồng bào Dao không có ngày cố định mà dựa theo tiết khí. Thanh minh năm nay vào ngày 04/4 (tức ngày 26/2 âm lịch).

Đồng bào dân tộc Dao thôn Pác Nghiên, xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn đi tảo mộ ngày Thanh minh.

Đồng bào dân tộc Dao thôn Pác Nghiên, xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn đi tảo mộ ngày Thanh minh.

Đồng bào dân tộc Dao sinh sống trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có nhiều nhánh như: Dao tiền, Dao đỏ, Dao Quế Lâm… Các dân tộc cùng nhau duy trì, phát huy những giá trị tốt đẹp làm nên bản sắc dân tộc Dao. Tết Thanh minh là một trong những phong tục được duy trì hàng năm, nhằm nhắc nhở con cháu phải luôn nhớ đến tổ tiên, cội nguồn.

Tết Thanh minh chứa đựng nhiều giá trị nhân văn sâu sắc.

Tết Thanh minh chứa đựng nhiều giá trị nhân văn sâu sắc.

Từ sáng sớm, tại nhà bà Đằng Thị Tâm ở thôn Pác Nghiên, xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn, con cháu đã về tề tựu đông đủ. Bà Tâm cho biết: “Hằng năm cứ đến ngày Tết Thanh minh là gia đình, họ hàng nhà tôi cùng nhau đi “tảo mộ” (sửa sang, dọn dẹp lại mộ của tổ tiên, bày mâm cúng). Ngày Tết Thanh minh của dân tộc Dao tiền chúng tôi có hai hoạt động chính là cúng tổ tiên tại nhà và đến tảo mộ cho người đã khuất.”

Cũng tại đây, những câu chuyện đầy xúc động và mang tính nhân văn, những kỷ niệm xưa của các cụ lại được bà Tâm kể cho con cháu. Nhờ lời kể ấy, con cháu có dịp lắng lại giữa nhịp sống hối hả để tưởng nhớ về những người thân đã mất. Để dù có đi đâu, làm gì, lòng cũng luôn hướng về tổ tiên, cội nguồn...

Từ 7 giờ sáng, ông Triệu Văn Ân ở thôn Nà Pài, thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn đã cùng anh em họ hàng có mặt tại khu nghĩa trang của gia đình. Mọi người cùng nhau sửa sang, mở rộng diện tích sân cho các ngôi mộ của tổ tiên, ông bà; chỉnh trang lại khuôn viên mộ cho sạch sẽ, phát hết cỏ dại và những cây hoang mọc trùm lên mộ.

Tại thôn Bản Cuôn 2, xã Ngọc Phái, chị Nguyễn Thị Linh cho biết: “Lễ vật cúng của người Dao đỏ bao gồm: Xôi, bánh dày, 1 đĩa cá to, 1 chai rượu trắng, hoa quả, vàng mã giấy bản của dân tộc Dao và vàng mã mua tại các hàng tạp hoá... Khi cúng xong chúng tôi nướng thêm cá, gà ăn tại đây, hoặc có gia đình thì về sum họp tại nhà chính để ăn cơm trưa”.

Để chuẩn bị cho lễ tảo mộ, anh Lý Văn Giang (xã Quảng Khê, huyện Ba Bể) cho biết: Bà con người Dao nơi đây đã hái các loại lá màu ở vườn rửa sạch từ hôm trước, cho vào nồi đun lấy nước để ngâm gạo nếp. Gạo nếp được ngâm với nước màu làm từ lá cây khoảng 6-7h, sáng sớm hôm sau cho vào chõ đồ xôi.

Bên cạnh mâm cỗ mặn, đồng bào còn sắm thêm vàng mã, quần áo, xe hơi, điện thoại, nhà lầu, vàng,... để đốt kèm theo.

Bên cạnh mâm cỗ mặn, đồng bào còn sắm thêm vàng mã, quần áo, xe hơi, điện thoại, nhà lầu, vàng,... để đốt kèm theo.

Trong ngày Tết Thanh minh, khu nghĩa địa của các bản Dao tại tỉnh Bắc Kạn trở nên đông đúc vì hầu hết các gia đình đều đi tảo mộ. Những người đi làm ăn xa cũng cố gắng sắp xếp công việc, trở về vào dịp này để tảo mộ gia tiên và sum họp với gia đình. Những ngôi mộ được người nhà dọn dẹp sạch sẽ, vun đắp thêm đất mới, đó là những tâm ý thành kính của người đang sống đối với người đã khuất.

Chị Thanh Tuyền cùng người thân làm cỏ, vun đắp thêm đất mới cho phần mộ của gia đình.
Chị Thanh Tuyền cùng người thân làm cỏ, vun đắp thêm đất mới cho phần mộ của gia đình.

Việc duy trì phong tục truyền thống tốt đẹp về ngày Tết Thanh minh ngoài ý nghĩa tâm linh còn chứa đựng những giá trị nhân văn sâu sắc, đó là đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, gắn kết tình thân trong gia đình, làng bản; đồng thời góp phần lưu giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Dao trong thời hội nhập./.

Xem thêm

Video

Đọc báo in