Bắc Kạn có vị trí địa lý nằm giữa những cánh rừng núi hùng vĩ của Việt Bắc, là nơi hội tụ nhiều di sản văn hóa quý báu của các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Mông. Từ những di sản Lượn cọi và Lượn slương, hát Then - đàn Tính, múa bát của người Tày, hát Sli của người Nùng , hát Pá dung của người Dao, nghệ thuật thêu hoa văn trang trí trên trang phục của người Dao đỏ, nghi lễ cấp sắc của người Dao tiền đến nghệ thuật múa khèn của người Mông, đã tạo nên bức tranh mang đậm giá trị nhân văn, phản ánh sinh động vẻ đẹp truyền thống của đồng bào các dân tộc Bắc Kạn… đến các lễ hội truyền thống như lễ hội Lồng Tồng, lễ hội Cầu mùa, tất cả đều mang đậm dấu ấn của một vùng đất kiên cường và giàu bản sắc.
Những giá trị này không chỉ là tài sản quý giá của người dân địa phương mà còn là tiềm năng lớn để phát triển du lịch, thu hút du khách trong và ngoài nước. Việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm của ngành Văn hóa tỉnh nhà, nhằm không chỉ gìn giữ những giá trị truyền thống mà còn tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Bên cạnh việc bảo tồn các di sản văn hóa vật thể như các di tích lịch sử, ngành Văn hóa cũng chú trọng đến việc gìn giữ và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể. Việc khôi phục và duy trì các lễ hội truyền thống, tổ chức các chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ giữa các dân tộc đã tạo nên một sức sống mới cho văn hóa Bắc Kạn. Những nỗ lực này không chỉ giúp giữ gìn bản sắc văn hóa mà còn góp phần quan trọng trong việc giáo dục truyền thống, gắn kết cộng đồng và phát triển du lịch.
Ngành Văn hóa Bắc Kạn không chỉ dừng lại ở việc bảo tồn, mà còn chú trọng vào việc phát huy giá trị các di sản văn hóa trong phát triển du lịch. Thực tế cho thấy, các di sản văn hóa của Bắc Kạn đã và đang trở thành những điểm nhấn hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Nổi bật trong năm 2024 là sự kiện "Tuần Văn hóa – Du lịch" và Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ XV. Đây là những minh chứng rõ nét cho sự nỗ lực của ngành Văn hóa trong việc biến những giá trị văn hóa độc đáo của tỉnh thành sản phẩm du lịch đặc sắc.
"Tuần Văn hóa – Du lịch" tỉnh Bắc Kạn năm 2024 đã để lại ấn tượng sâu sắc với du khách thông qua hàng loạt hoạt động phong phú, đa dạng. Điểm nhấn là màn trình diễn di sản văn hóa phi vật thể quốc gia múa bát của người Tày Bắc Kạn với sự tham gia của 1.000 người, tạo được ấn tượng sâu sắc và nhiều cung bậc cảm xúc cho người xem.
Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ XV - Bắc Kạn năm 2024, là một sự kiện lớn, thu hút sự tham gia của nhiều tỉnh trong khu vực Việt Bắc, góp phần quảng bá hình ảnh du lịch Bắc Kạn ra toàn quốc.
Không chỉ dừng lại ở việc tổ chức sự kiện, ngành Văn hóa Bắc Kạn còn đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng các sản phẩm du lịch gắn liền với di sản văn hóa. Việc phát triển các tour du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch cộng đồng tại các bản làng dân tộc, hay du lịch sinh thái tại các khu bảo tồn thiên nhiên, đã giúp tạo ra sự đa dạng trong sản phẩm du lịch của tỉnh. Điều này không chỉ đáp ứng nhu cầu của du khách mà còn mang lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng địa phương, góp phần bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Trong bối cảnh hội nhập và phát triển, ngành Văn hóa Bắc Kạn đang không ngừng nỗ lực để vừa bảo tồn, vừa phát huy các giá trị văn hóa, biến chúng thành động lực phát triển kinh tế - xã hội. Những thành công trong việc tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch lớn đã khẳng định vị thế của Bắc Kạn trong bản đồ du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, để tiếp tục phát triển bền vững, ngành Văn hóa cần đẩy mạnh hơn nữa việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, đồng thời gắn kết chặt chẽ với ngành du lịch để tạo ra những sản phẩm du lịch đặc sắc, có sức cạnh tranh cao.
Nhân ngày truyền thống Ngành Văn hóa 28/8, chúng ta cùng nhìn lại và tự hào về những gì đã đạt được, đồng thời cùng nhau nỗ lực để gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa của tỉnh Bắc Kạn, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển./.