Nguyễn Thị Minh Hải không “tự nhận” mình là nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA), bởi chị chưa phải là hội viên hội nghệ sĩ nhiếp ảnh ở Trung ương và Hà Nội.
Thế nhưng Triển lãm ảnh nghệ thuật cá nhân đầu tiên mang tên “Vẻ đẹp cảm xúc nhiếp ảnh” của chị tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (Hà Nội) có sự hiện diện đầy đủ của nhiều nhiếp ảnh gia nổi tiếng, đặc biệt là NSNA Hồ Sỹ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội NSNA Việt Nam và các NSNA có “thứ hạng” như Bùi Việt Hưng, Phạm Công Thắng... đã cho thấy vị thế của chị trong nhiếp ảnh đương đại. Đặc biệt hơn là công chúng đam mê nhiếp ảnh, đam mê những khoảnh khắc của ánh sáng và yêu mến đất nước, con người Việt Nam.
Nhiếp ảnh gia (NAG) Nguyễn Thị Minh Hải chọn một ngày cuối tháng 10/2024, ngày “giao thoa” giữa cuối thu và gió bấc đầu đông, tạo nên một ngày thời tiết không thể đẹp hơn để khai mạc Triển lãm và giới thiệu sách ảnh “Vẻ đẹp cảm xúc nhiếp ảnh”, NXB Thông tấn quý IV năm 2024.
Có mặt tại Triển lãm ảnh nghệ thuật Nguyễn Thị Minh Hải, ông Triệu Thế Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội (khóa XV) và Phó Chủ tịch Thường trực Hội NSNA Việt Nam, NSNA Hồ Sỹ Minh đều đánh giá cao thành công, giá trị nghệ thuật, đam mê, sáng tạo của nghệ sĩ Nguyễn Thị Minh Hải.
“Với 30 bức ảnh được treo tại Triển lãm, ảnh nghệ thuật của nghệ sĩ Nguyễn Thị Minh Hải đã góp phần khơi dậy niềm tự hào về danh thắng, vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam. Tác phẩm của chị còn góp phần quảng bá các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể Việt Nam đến với công chúng và bạn bè quốc tế”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, ông Triệu Thế Hùng cho biết.
Các tác phẩm được Nguyễn Thị Minh Hải chọn giới thiệu được chọn lựa trong hằng trăm bức ảnh được chị chụp ở 49 tỉnh, thành phố trong cả nước và 19 nước ở các lục địa trên thế giới, kể cả sa mạc Sahara và Bắc cực. Bàn chân của nghệ sĩ Nguyễn Thị Minh Hải đã đặt chân hết 61/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đối với các tỉnh biên giới phía Bắc, Nguyễn Thị Minh Hải đã có mặt từ Lào Cai đến Quảng Ninh. 30 bức ảnh treo tại Triển lãm có nhiều chủ đề, về di sản, danh thắng, lao động sản xuất, văn hóa các dân tộc ít người.
Đất nước Việt Nam hùng vĩ được ống kính Nguyễn Thị Minh Hải ghi lại qua các tác phẩm về ruộng bậc thang Y Tý (Lào Cai), mâm xôi trên ruộng bậc thang Mù Cang Chải (Yên Bái), biển mây Tà Xùa (Sơn La), vịnh Hạ Long (Quảng Ninh)... Nhịp điệp lao động được ghi lại trong những khuôn hình đầy cảm xúc của nông dân Thanh Hóa trên cánh đồng cói, ngư dân Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Phú Yên... trên đầm phá, sông, biển quê hương. Thế giới đa dạng sinh học, níu người xem bên các tác phẩm về Sếu đầu đỏ (Đồng Tháp), chim Trảu, thảm thực vật trên hồ Tuyền Lâm (Lâm Đồng).
Đối với miền núi phía Bắc, người xem dừng lại ở các bức ảnh về người phụ nữ Mông trên cánh đồng bậc thang Mù Cang Chải, các thiếu nữ Dao Đỏ ở Cột cờ quốc gia Lũng Cú.. Đối với đề tài các dân tộc ít người, Nguyễn Thị Minh Hải không chỉ quan tâm đến các danh thắng miền núi mà chị còn hướng ống kính vào khai thác vẻ đẹp sinh hoạt, tín ngưỡng, tâm linh, văn hóa truyền thống của người Mông, Dao Tiền, Dao Đỏ...Tất cả mang đến cảm xúc bình yên, vẻ đẹp giàu bản sắc. Nghệ sĩ Nguyễn Thị Minh Hải là hội viên Hội Di sản Việt Nam, thành viên tích cực của Câu lạc bộ phụ nữ Di sản Hà Nội.
Để bắt gặp được khoảnh khắc ánh sáng, vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên, nghệ sĩ Nguyễn Thị Minh Hải cho biết, không ít lần chị phải thức dậy từ 3h00 sáng, trên vai bộ đồ nghề lỉnh kỉnh, ủng, đồ bảo hộ...để “săn”. Khó nhất có lẽ là “săn” động vật hoang dã.
Chị cho biết, những chuyến đi xa xôi, nguy hiểm và gian khổ ấy vừa giúp chị thỏa đam mê, vừa góp phần bé nhỏ tình yêu của mình vào nhiệm vụ truyền thông điệp bảo vệ động vật hoang dã. “Tôi biết, bảo vệ động vật hoang dã nói riêng, đa dạng sinh học nói chung đã trở thành nhiệm vụ cấp bách không chỉ của một quốc gia nào”, chị tâm sự.
Nghệ sĩ Minh Hải chính là con gái của thiếu tướng Nguyễn Như Thiết, nguyên là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 42 - Tư lệnh Quân khu 3, nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân, nguyên Phó giám đốc Học viện Cao cấp của Quân đội (nay là Học viện Quốc phòng ).
Trong Bách khoa Toàn thư Quân đội, thiếu tướng Nguyễn Như Thiết xếp thứ 30 trong danh sách các tướng lĩnh Quân đội nhân dân Việt Nam. Thời chống Pháp, thiếu tướng Nguyễn Như Thiết được gọi là “Hùm xám đường 5”, lập nhiều chiến công hiển hách.
Bà Nguyễn Thị Trinh, thân mẫu chị Minh Hải chính là nữ Đội phó Đội Du kích Hoàng Ngân nổi tiếng trong lịch sử, đã được đặt tên đường ở Hà Nội. Tình yêu của hai ông bà là nguyên mẫu trong tiểu thuyết “Nhãn đầu mùa” một thời đắm say.
Là “con gái rượu”, sinh ra trong một gia đình danh giá, vốn là một doanh nhân, nhưng nhiệp ảnh đã quyến rũ Nguyễn Thị Minh Hải. Chị “bỏ lại” tất cả để ra đi về phía ánh sáng, phía khoảnh khắc. Mới 7 năm bị nhiếp ảnh quyến rũ, khi ở tuổi không còn trẻ, nhưng nhiếp ảnh gia Nguyễn Thị Minh Hải đã có nhiều thành công. Tác phẩm của chị đã “chinh phục” được, ngay cả với giới chuyên môn về nhiếp ảnh, khó tính nhất./.