"Pây tái" - Hành trình về nguồn
"Pây tái" trong tiếng Tày có nghĩa là "về nhà ngoại" hay "về thăm bà ngoại". Tục lệ này diễn ra vào ngày 14/7 âm lịch, một ngày trước rằm tháng Bảy.
Ngày 14/7, con cháu thường mang theo lễ vật như vịt, "pẻng tải"(bánh nếp), xôi, cùng các loại hoa quả, bánh trái khác đến nhà ngoại. Những lễ vật này thể hiện tấm lòng của con cháu đối với ông bà ngoại, mong cầu sự bình an, may mắn.
"Pây tái" là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người Tày. Tục lệ này phản ánh sự coi trọng mối quan hệ gia đình, đặc biệt là sự gắn kết giữa các thế hệ. Trước đây, người phụ nữ Tày sau khi lấy chồng thường ở cùng gia đình nhà chồng. Do đường xá khó khăn và điều kiện kinh tế không cho phép, mỗi năm họ chỉ được về thăm nhà vào dịp lễ Tết. Tết tháng Giêng thì phụ nữ Tày thường bận rộn với việc cúng lễ tổ tiên bên nhà chồng nên tháng Bảy chính là dịp thuận lợi để về thăm nhà ngoại.
Trong bối cảnh hiện đại, khi xã hội ngày càng phát triển và các giá trị truyền thống dần bị mai một, "Pây tái" trở thành một biểu tượng văn hóa quan trọng, nhắc nhở mỗi người về nguồn cội, về tình cảm gia đình và lòng biết ơn đối với những người đã sinh thành, nuôi dưỡng mình. Đây là dịp để con cháu học hỏi, hiểu biết thêm về truyền thống, phong tục của dân tộc, đồng thời cũng là cơ hội để củng cố, phát huy các giá trị tốt đẹp trong gia đình.
Bảo tồn và phát huy mỹ tục "Pây tái"
Trong thời gian qua, mỹ tục "Pây tái" đã được nhiều người Tày tại Bắc Kạn gìn giữ và truyền lại cho các thế hệ sau. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế - xã hội hiện đại, nhiều giá trị truyền thống đang dần bị mai một, tục lệ "Pây tái" cũng không ngoại lệ. Nhiều gia đình trẻ hiện nay, do áp lực cuộc sống, công việc, đã không còn duy trì được tục lệ này, dẫn đến sự suy giảm một phần nét văn hóa đặc sắc.
Để bảo tồn và phát huy giá trị của mỹ tục "Pây tái", cần có sự quan tâm, hỗ trợ từ các cơ quan, tổ chức văn hóa, cũng như sự đồng lòng của cộng đồng người Tày. Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về ý nghĩa của tục lệ "Pây tái" cần được đẩy mạnh, để mỗi người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, hiểu và trân trọng giá trị của phong tục này. Bên cạnh đó, việc tổ chức các lễ hội, sự kiện văn hóa liên quan đến "Pây tái" cũng là một cách hiệu quả để tái hiện, giữ gìn và lan tỏa phong tục này đến cộng đồng.
Tục lệ "Pây tái" của người Tày không chỉ là một hành động thể hiện lòng hiếu thảo mà còn là một phần quan trọng của văn hóa dân tộc. Việc bảo tồn và phát huy mỹ tục này không chỉ góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của người Tày mà còn là một đóng góp quan trọng vào việc bảo tồn văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung.
Để "Pây tái" mãi là một mỹ tục đẹp, cần có sự chung tay của cả cộng đồng, từ việc giữ gìn, truyền dạy đến việc tôn vinh những giá trị truyền thống tốt đẹp./.