Tết Đoan Ngọ gắn với tín ngưỡng nông nghiệp, là thời gian sinh trưởng của cây lúa; là lúc cây trái như lê, nhãn đang chuẩn bị bước vào mùa thu hoạch. Tết được tổ chức tiêu diệt sâu bọ, côn trùng có hại nhằm bảo vệ mùa màng, đồng thời trừ khử những con vật sống ký sinh trên cơ thể con người và vật nuôi như chấy, rận, giun, sán…
Đối với cộng đồng người Tày và các dân tộc khác của tỉnh Bắc Kạn, trong ngày tết Đoan Ngọ, ngoài hoa quả, rượu nếp thì trong mâm cúng không thể thiếu món bánh gio. Theo dân gian, khi ăn bánh gio và một ít hoa quả trong ngày Tết Đoan Ngọ thì bệnh tật trong người sẽ được tiêu tan.
Bà Lý Thị Thu, thị trấn Yến Lạc, huyện Na Rì chia sẻ: Bánh gio được làm từ những nguyên liệu đơn giản sẵn có của địa phương như: Lá chít hoặc lá dong, gạo nếp, nước gio, không chất bảo quản, không phụ gia… khi ăn có vị thanh mát.
Trong ngày Tết Đoan Ngọ, người Tày thường thực hiện các nghi lễ cúng tế để tôn vinh ông bà tổ tiên và những linh hồn của người đã khuất. Đây không chỉ là dịp để tưởng nhớ ông bà, mà còn là dịp để các thành viên trong gia đình trở về quây quần bên nhau, cùng nhau chia sẻ những buồn vui của cuộc sống, về công việc, về mùa màng…
Ngày Tết Đoan Ngọ thường vào dịp nắng nóng, đây cũng là thời điểm mọi người cần tăng cường sức khỏe để đối phó với môi trường nóng bức.
Tết Đoan Ngọ là một dịp lễ ý nghĩa. Qua việc ăn Tết Đoan Ngọ và thực hiện các nghi lễ truyền thống, người Tày ở Bắc Kạn không chỉ duy trì và phát triển những giá trị văn hóa của dân tộc mình mà còn giữ gìn và lan tỏa những ý nghĩa sâu sắc về tình thân, tình đoàn kết và tâm linh trong đời sống cộng đồng.../.