Tiếng khèn trên đỉnh Nghè Luông

Được anh Sùng Hồng Long, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Lủng Nghè dẫn đường, chúng tôi đi bộ ngược núi để tìm đến với chủ nhân của những chiếc khèn Mông được bản làng nâng niu, gìn giữ. Khi cả đoàn đã thấm mệt bởi quãng đường leo dốc khá dài, thì cũng là lúc mọi người đều nghe thấy âm thanh của chiếc khèn Mông vọng lại như mời gọi.

Anh Long chỉ tay về phía trước và nói: “Nhà ông Vừ ngay kia thôi, cứ đi đi, tiếng khèn Mông sẽ dẫn đường". Quả thật tiếng khèn đầy “ma mị” ấy có sức lôi cuốn đến kỳ lạ, cứ thế dẫn lối chúng tôi đến nhà ông Lý Văn Vừ lúc nào không hay.

Ông Vừ đón khách đến nhà chơi bằng một bài khèn thay cho lời chào.
Ông Vừ đón khách đến nhà chơi bằng một bài khèn thay cho lời chào.

Ông Vừ mở đầu cuộc trò chuyện với bài khèn đón khách, khiến những mệt mỏi của chặng đường ngược dốc dường như tan biến. Bên căn nhà gỗ nhỏ, mọi người hòa mình với những thanh âm trầm bổng, đoàn chúng tôi cùng chung cảm giác như đang nghe ông Vừ kể câu chuyện cuộc đời mình, lúc khắc khoải trong bóng tối tật nguyền, khi vui mừng vì tìm thấy những người bạn tâm giao.

Kết thúc bài khèn trong sự trầm trồ của mọi người, ông Vừ từ tốn với câu chuyện về cuộc đời mình: “Bố mất từ khi tôi tròn 1 tuổi, rồi sau đó mẹ cũng bỏ đi để tôi lại cho anh em họ hàng nuôi nấng. Vì cuộc sống khó khăn, vất vả, ăn uống thiếu thốn, không đủ chất nên người ốm yếu so với chúng bạn cùng trang lứa. Năm lên 6 tuổi, trong một lần bệnh nặng đã khiến cho đôi mắt của tôi không thể nhìn thấy vạn vật xung quanh nữa”.

Từ đó, cuộc sống của ông Vừ chìm trong bóng tối. Suốt những năm tháng tuổi thơ, ông chỉ có một ước mơ duy nhất là được thấy màu sắc của chiếc lá, ngắm nhìn bầu trời, vui chơi cùng các bạn... Nhưng tất cả những mong ước nhỏ bé ấy đều trở nên vô vọng.

Cuộc sống cứ thế trôi đi, khi dần quen với đôi mắt chỉ nhìn thấy toàn màu đen, ông Vừ bắt đầu tập trung lắng nghe những âm thanh xung quanh mình để hình dung ra một thế giới mới. Hôm ấy, khi đang ngồi thu mình trong nhà, ông Vừ bỗng nghe tiếng khèn từ xa vọng lại, những thanh âm trầm bổng đó khiến ông đứng ngồi chẳng yên. Trong đầu ông lúc đó đặt ra bao câu hỏi, làm thế nào để có thể thổi được tiếng khèn hay như thế? Làm sao để làm được chiếc khèn phát ra những âm thanh trầm vang như vậy? Ước mong đó như ngọn lửa cháy âm ỉ trong lòng ông. Rồi đến năm 18 tuổi, "ngọn lửa" đam mê đã được thổi bùng lên khi trong một dịp tình cờ ông được những người có kinh nghiệm về làm khèn trong bản dạy thổi và làm khèn miễn phí.

Đang cao hứng, ông Vừ đặt tạm chén rượu ngô thơm nức xuống bàn rồi cất thêm một bài khèn mới cho chúng tôi nghe. Tiếng khèn lúc mượt mà, sâu lắng, dìu dặt, khi sôi động, vui tươi. Dường như, bao buồn vui cuộc đời đều được ông Vừ ký thác trong những bản du ca trên đỉnh núi, réo rắt như suối, mơ màng mà hiu hắt buồn như trăng chiều trên nương...

Dừng tiếng khèn, ông Vừ kể: “Năm tôi 26 tuổi vẫn chưa lấy vợ, đối với người Mông ở tuổi đó mà chưa có vợ con gì là kém cỏi lắm. Nhưng may sao nhờ tiếng khèn, nhờ tiếng hát lượn mà tôi đã lấy được vợ. Cũng không nghĩ bà ấy lại đồng ý lấy một người mù như tôi”.

Sau khi cưới vợ, sinh con, ông Vừ ngày càng ý thức được vai trò trụ cột trong gia đình. Cuộc sống hai vợ chồng với 4 con nhỏ vô cùng khó khăn, vì vậy ông Vừ đã làm khèn để bán. Mỗi tháng, ông Vừ có thể làm được 4 - 5 chiếc khèn, có người đặt mua khèn của ông với giá từ 1,5 triệu đồng/chiếc. Cứ đến chợ phiên của xã, ông lại mang khèn xuống bán. Để đến được chợ ông phải đi bộ mất hàng giờ đồng hồ với hai cây gậy làm bạn đường.

Mặc dù khiếm thị nhưng đôi tay ông Vừ thoăn thoắt chế tác khèn thật điêu luyện, cứ như thể được lập trình sẵn mà không có bất cứ một sai sót nào. Vừa làm, ông Vừ vừa tiết lộ “bí kíp” để có một chiếc khèn hay: "Khó nhất trong các công đoạn chế tác khèn là làm các "lưỡi gà”, vì nó giúp khèn phát ra các âm thanh chuẩn. Một cây khèn có 07 chiếc "lưỡi đồng”, tương ứng với 07 nốt nhạc: Đồ, rê, mi, pha, son, la, si".

Tận mắt chứng kiến từng thao tác tỉ mỉ, cũng như cách ông Vừ nâng niu chiếc khèn đang dần hoàn thiện, chúng tôi thực sự cảm nhận được tình yêu mà ông dành cho loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình. Ông Vừ tâm niệm, mỗi chiếc khèn được hoàn thiện cũng đồng nghĩa với việc sẽ có thêm những thanh âm dân tộc được bay cao hơn, xa hơn, được nhiều người, nhiều thế hệ biết đến hơn.

Với ông Vừ chiếc khèn như một “người bạn” tri kỷ, khèn luôn có một sức hấp dẫn kỳ lạ, dù ở nhà hay trên nương chiếc khèn đều bên ông, lúc vui hay buồn ông đều mang khèn ra thổi như để gửi gắm vào tiếng khèn tình cảm của riêng mình.

Ông Vừ tâm sự: “Khèn có mặt trong mọi mặt đời sống của đồng bào dân tộc Mông. Tiếng khèn là tiếng lòng, là cầu nối giữa người đang sống với thế giới tâm linh. Tiếng khèn là niềm vui mừng khi về nhà mới, tiếng khèn cất lên khi đón xuân hay tỏ tình, là tiếng rước cô dâu về nhà chồng, tiếng khèn còn gọi bạn vui xuân trẩy hội. Khèn mạnh mẽ như chính cuộc sống của người Mông trên non cao. Khèn và tiếng khèn như “linh hồn” của đồng bào dân tộc Mông vậy”.

Nói chuyện với ông Vừ, chúng tôi cảm nhận được niềm đam mê với loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc trong từng câu nói của ông. Khi được đề nghị thổi thêm một bài khèn nữa, không để chúng tôi phải đợi lâu, đôi bàn tay điệu nghệ của ông lướt nhẹ trên các ống trúc vàng óng, tạo nên thanh âm mê hoặc lòng người. Những âm thanh trong trẻo, rộn rã, vui tươi, của ca khúc “Như có Bác trong ngày vui đại thắng” như gửi trọn niềm tin của ông cũng như người Mông ở đây với Đảng, với Bác Hồ.

“Bây giờ, khi cái chân đã mỏi, mái tóc đã cùng màu với những làn sương trên núi rồi nên tôi rất muốn truyền ngọn lửa đam mê của mình cho lớp trẻ, để văn hoá của dân tộc không bị mai một”- ông Vừ trăn trở.

Chia tay núi Nghè Luông, tạm biệt ông Lý Văn Vừ, người đã có gần 50 năm giữ gìn “linh hồn” của đồng bào dân tộc Mông ở nơi vùng cao Cổ Linh. Chúng tôi tin rằng, với niềm đam mê và những nỗ lực của mình, ông Vừ sẽ giữ nhịp cho tiếng khèn mãi ngân lên những thanh âm cùng núi rừng để gọi nắng lên, gọi cây rừng xanh tốt, để gắn kết những tâm hồn, để hòa quyện con người với thiên nhiên. Và những giai điệu ấy còn đánh thức cả tiếng lòng của những du khách đã, đang và sẽ được thưởng thức, khám phá bản sắc văn hóa của đồng bào Mông khi đến với huyện Pác Nặm nói riêng và tỉnh Bắc Kạn nói chung.../.

Xem thêm