“Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử"

BBK - Trong một chuyến đi công tác, chúng tôi có dịp đến với Hà Giang và thành kính dâng nén tâm hương lên các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trên mặt trận Vị Xuyên trong chiến tranh biên giới phía Bắc (1979-1989); các anh đã trở thành những thành lũy bất tử bảo vệ mảnh đất biên cương phên dậu của Tổ quốc.

Con đường bê tông dẫn chúng tôi lên điểm cao 468 thuộc thôn Nặm Ngặt, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên. Bước chân lên bậc thềm của Đền thờ các Anh hùng liệt sĩ mặt trận Vị Xuyên, tôi cảm nhận được mùi hương trầm thoang thoảng trong gió...

Chị Mai Anh, hướng dẫn viên cho biết: “Từ điểm cao 468, vị trí trung tâm của mặt trận Vị Xuyên sẽ nhìn thấy điểm cao cao nhất đó là 1509, điểm cao này tiếp giáp giữa nước ta và Trung Quốc. Vị trí điểm cao 468 có thể quan sát tất cả các hướng của mặt trận. Nhìn theo hướng bên sườn phải là đường Yên Ngựa, tại đó từng diễn ra chiến dịch MB-84. Trong chiến dịch này, quân ta đánh 3 cao điểm 1030, 685 và 772 với sự huy động lực lượng của 3 sư đoàn 312,314, 356. Đây là chiến dịch mà quân ta hy sinh nhiều nhất (hơn 1.000 cán bộ, chiến sĩ) trong tổng số hơn 400 trận đánh lớn nhỏ diễn ra tại mặt trận Vị Xuyên trong suốt 10 năm chiến tranh biên giới diễn ra”.

Sau chiến dịch MB-84 sườn phải của tây sông Lô là điểm cao 772 đã được đặt tên là “đồi thịt băm”, “cối xay thịt”. Tại điểm cao 685 có 5 đỉnh và được đặt tên lần lượt từ E1 đến E5, đỉnh cao E5 đã bị sạt xuống gần 4m chiều cao so với trước khi chiến tranh, bởi sức công phá của hàng nghìn quả đạn pháo dội xuống. Hàng nghìn quả đạn pháo dội vào trong thời gian rất dài khiến cho từng thớ đá ở điểm cao này bị nung nóng thành vôi, một màu trắng của vôi phủ trên điểm cao 685, không một loại cây nào có thể sống sót và nơi đây được đặt tên là “lò vôi thế kỷ”.

Trong chiến dịch cận Tết năm 1984 bước sang năm 1985, trên điểm cao 685 đã có hơn 200 cán bộ, chiến sĩ của ta hy sinh, trong đó có 2 anh hùng liệt sĩ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân và đang được thờ tại chính Đền. Đó là Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh, Trung đội trưởng Trung đội 2, Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, Sư đoàn 356, Quân khu 2, hy sinh khi mới 24 tuổi. Trong quá trình chiến đấu trên điểm cao E4, anh Ninh đã khắc trên báng súng của mình dòng chữ “Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử”. Khi anh Ninh hy sinh vào ngày 29 tết (tức ngày 18/1/1985), câu nói này đã trở thành lời thề của người lính mặt trận Vị Xuyên. Sống thì bám đá đánh giặc và nếu có chết, hy sinh ở tại đây thì trở thành những thành lũy, lũy đá bất tử bảo vệ mảnh đất biên cương phên dậu của Tổ quốc.

Người thứ 2 là liệt sĩ Lê Trần Mãn, nguyên là y sĩ của Sư đoàn 356, người đã xung phong mang lá cờ Tổ quốc lên cắm trên đỉnh E5, điểm cao nhất của cao điểm 685 để đánh dấu chủ quyền, thay thế lá cờ mà quân Trung Quốc đã cắm. Một đợt pháo bắn trùm lên cao điểm đã khiến y sĩ Lê Trần Mãn nằm xuống, hiện vẫn chưa thể tìm thấy hài cốt….

Trong suốt 10 năm chiến tranh, 9 sư đoàn chủ lực tham gia chiến đấu, cán bộ, chiến sĩ tuổi đời trung bình là mười tám, đôi mươi, có người trẻ tuổi nhất là 16 cũng viết đơn tình nguyện tham gia chiến đấu khi có lệnh tổng động viên vào tháng 3/1979. Hơn 4.000 cán bộ, chiến sĩ của quân đội Việt Nam đã anh dũng chiến đấu và hy sinh vẻ vang tại mảnh đất Vị Xuyên. Họ đã cống hiến trọn vẹn thanh xuân của mình để giữ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc. Bởi vậy mà tên "Thành lũy tuổi đôi mươi" đã được đặt cho các cán bộ, chiến sĩ nơi đây.

Hiện nay Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên quy tập 1.872 phần mộ và một ngôi mộ tập thể, còn hơn 1.500 phần mộ của các cán bộ, chiến sĩ vẫn đang nằm tại các điểm cao, các khe sâu, thung sâu của mặt trận Vị Xuyên. Hài cốt các liệt sĩ vẫn đang được tìm kiếm từng ngày, từng giờ dù gặp rất nhiều khó khăn...

“Về đây đồng đội ơi, người chiến sĩ sư đoàn. Hà Giang đã ngưng chiến trận. Về đây đồng đội ơi, những chiến hữu đơn vị bạn. Đài hương 468 ta hội quân. Hãy về đồng đội ơi! Còn nằm khe đá hay thung sâu. Về đây có nhau, như nguyện ước chiến hào… Hãy về đồng đội ơi...

Hãy về đồng đội ơi, người lính chiến mãi đôi mươi, về đây điếu thuốc lào, ấm chè chốt hồn nhiên nụ cười. Bạn bè, đồng đội, người thân ôm nhau nước mắt chan hoà. Nhìn kia, đồng đội tôi 1509 máu thắm quân kỳ; 772, 685 anh em đang về. Và kia 1100, 233 Cô Ích, bốn hầm, bờ suối, dốc núi, anh em về dần. Hãy về đồng đội ơi! Còn nằm khe đá hay thung sâu"… Lời bài hát "Về đây đồng đội ơi" của nhạc sĩ Trương Quý Hải là tiếng lòng day dứt khôn nguôi của những người còn sống với những người lính mãi tuổi đôi mươi đang nằm tại các điểm cao, khe sâu, thung sâu của mặt trận Vị Xuyên...

Chiến tranh biên giới phía Bắc bắt đầu từ ngày 17/2/1979 trên toàn tuyến biên giới phía Bắc nước ta từ Phong Thổ (Lai Châu) đến Móng Cái (Quảng Ninh). Mặt trận Vị Xuyên chạy dài theo hướng phía Bắc với 5 xã biên giới thuộc huyện Vị Xuyên là Minh Tân, Thanh Thủy, Thanh Đức, Xín Chải và Lao Chải. Trong vòng 10 năm (1979 đến 1989), quân ta đã đưa lên mặt trận Vị Xuyên 09 sư đoàn và bộ đội địa phương tham gia chiến đấu. Trong đó đã có hơn 4.000 cán bộ, chiến sĩ hy sinh và hơn 9.000 cán bộ, chiến sĩ để lại một phần xương máu trên mặt trận Vị Xuyên.

Mỗi thước đất nơi đây đều thấm máu anh hùng, mỗi nhành cây ngọn cỏ đều mang hồn tử sĩ. Xin thắp một nén tâm hương để tưởng nhớ, tri ân và bày tỏ lòng thành kính đối với các anh. Nguyện cầu cho hương linh các liệt sĩ được yên nghỉ, các anh mãi mãi là những tượng đài bất tử trong lòng dân tộc Việt Nam./.

Xem thêm