Thả rông chó - hiểm họa rình rập

BBK - Ngày 22/3, tại xã Đại Sảo, huyện Chợ Đồn xuất hiện chó dại vô chủ cắn người và động vật. Sự việc tiếp tục là hồi chuông cảnh báo những hiểm họa rình rập từ tình trạng nuôi chó thả rông tại các địa phương.

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Bắc Kạn đã xảy ra 3 ổ dịch dại động vật tại các xã Bản Thi, Đại Sảo (Chợ Đồn) và xã Đức Vân (Ngân Sơn) với tổng số chó bị mắc bệnh và phải tiêu hủy là 20 con. Mới đây nhất, mẫu xét nghiệm từ con chó cắn người và động vật dương tính với virus dại, UBND huyện Chợ Đồn đã công bố dịch bệnh dại trên động vật vào ngày 26/3.

Theo Bác sĩ CKI- Lương Thị Thu Hà, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Kạn: Bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do vi rút, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn, cào, liếm của động vật mắc bệnh. Trên thế giới hiện chưa có thuốc điều trị khỏi bệnh dại, do đó khi bị dại thì 100% sẽ tử vong. Hằng năm, công tác tuyên truyền phòng chống bệnh dại vẫn được cơ quan chuyên môn chú trọng. Tuy vậy nhiều người dân chưa thực sự quan tâm, vẫn còn tâm lý chủ quan, giữ thói quen thả rông chó.

Ghi nhận về tình trạng nuôi chó thả rông ở nhiều địa phương.

Thật vậy, có thể dễ dàng chứng kiến tình trạng thả rông chó diễn ra ở các tuyến đường, con hẻm ở cả thành thị lẫn nông thôn. Trong đó nhiều con chó to lớn, dáng vẻ hung dữ hoặc xơ xác mệt mỏi lang thang trên đường. Nguy cơ về bệnh dại đe dọa trực tiếp đến sự an toàn của người dân...

Chị Nông Thị Liễu, thôn Cốc Thử, xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn rất sợ khi đi xe bị va vào chó chạy từ nhà ra.

Những con chó không rọ mõm, không rõ đã tiêm phòng dại hay chưa, vẫn hằng ngày được chủ nuôi thả rông ra đường, là nỗi lo sợ, ám ảnh của không ít người.

Em Triệu Khánh Mai, Trường THCS Hoàng Văn Thụ, thị trấn Bằng Lũng, Chợ Đồn mong chó thả rông được rọ mõm để an toàn trên đường đi học.

Nhắc đến chó thả rông, chị La Thị Tuyết, phường Sông Cầu, thành phố Bắc Kạn vẫn chưa hết ám ảnh. Đầu năm 2023, chị đang đi xe máy trên đường, bất ngờ bị chó dữ đuổi theo và tấn công. Sau đó, chị Tuyết đã phải đi tiêm vác-xin phòng dại...

Chị La Thị Tuyết, phường Sông Cầu, thành phố Bắc Kạn phải đi tiêm phòng ngay sau khi bị chó thả rông cắn.

Tại các trung tâm huyện, thành phố, những chú chó to lớn lang thang ngoài đường tiềm ẩn nguy cơ chúng tấn công người hoặc gây mất an toàn giao thông, khiến nhiều người dân bức xúc.

Chứng kiến người thân bị chó thả rông cắn, chị L.T.N. ở thành phố Bắc Kạn rất ám ảnh.

Để xảy ra những hậu quả đáng tiếc do chó thả rông, nguyên nhân quan trọng nhất vẫn là ý thức của chủ nuôi. Muôn vàn lý do được người dân đưa ra cho việc thả rông chó, ông H.V.T. người dân thị trấn Chợ Rã (Ba Bể) phân trần: “Chúng tôi nuôi chó để giữ nhà, giờ nhốt lại thì chúng còn trông nhà kiểu gì được nữa? Vả lại chó nhà tôi hiền nên có cắn ai bao giờ đâu”…

Để chủ động phòng tránh, ngăn chặn có hiệu quả dịch bệnh dại trên động vật, vừa qua huyện Chợ Đồn đã triển khai tiêm vắc xin định kỳ đợt 1 cho đàn vật nuôi. Thế nhưng vẫn còn nhiều con chó chưa được tiêm phòng, với các lý do khác nhau.

Bà V.T.K ở xã Phương Viên, huyện Chợ Đồn cho hay: Chó của gia đình năm nay chưa tiêm do không bắt được. Thấy mọi nhà thả chó, gia đình bà cũng nuôi và thả rông thường xuyên. Nếu phát hiện chó có biểu hiện lạ thì sẽ xích lại...

Theo Điều 7, Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình: Hành vi thả rông động vật nuôi trong đô thị hoặc nơi công cộng sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 - 500.000 đồng. Trong trường hợp người chủ để động vật nuôi gây thương tích hoặc gây thiệt hại tài sản cho tổ chức, cá nhân khác thì có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

Ngoài ra, thả rông chó, vật nuôi gây tai nạn cho người dân, người chủ sẽ bị xử phạt hành chính, bồi thường thiệt hại, thậm chí có thể bị xử lý hình sự.

Quy định đã có, tuy nhiên việc xử lý còn gặp nhiều khó khăn. Để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra, các hộ nuôi chó cần nâng cao ý thức, nghiêm túc thực hiện quy định, chính quyền địa phương vào cuộc quyết liệt hơn; đồng thời người dân tự trang bị những kiến thức bảo vệ bản thân khi không may bị chó thả rông cắn.

Bác sĩ CKI- Lương Thị Thu Hà, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Kạn cho biết thêm: Cách phòng tránh tốt nhất là phải tiêm phòng dại đầy đủ cho 100% chó, mèo nuôi; tiêm nhắc lại hằng năm theo khuyến cáo của ngành thú y và theo thông báo của chính quyền cơ sở khi có lịch tiêm phòng. Hạn chế nuôi những giống chó to, bản tính hung dữ. Những gia đình có trẻ em nên tạm dừng nuôi chó, mèo để giữ an toàn cho trẻ. Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo, nhất là những con chạy rông ngoài đường. Không lại gần khi chó đang ăn hoặc khi chó mẹ đang cho con bú, không nhìn vào mắt chó. Nuôi chó phải xích, nhốt; chó ra đường phải được đeo rọ mõm, có người dắt.

Tính đến 31/3/2024, huyện Chợ Đồn tiêm phòng dại cho chó đạt hơn 49% tổng đàn.

Tính đến 31/3/2024, huyện Chợ Đồn tiêm phòng dại cho chó đạt hơn 49% tổng đàn.

Mùa hè thời tiết nắng nóng là môi trường thuận lợi để bệnh dại bùng phát mạnh nhất, đỉnh điểm vào khoảng tháng 5 đến tháng 8. Trước tình hình dịch dại trên địa bàn tỉnh, người dân cần ý thức hơn trong việc tiêm phòng cho chó, tuyệt đối không thả rông chó ra đường. Mặt khác, chính quyền và các ngành chức năng cần xử lý đúng quy định pháp luật với những hành vi thả rông động vật nuôi trong đô thị hoặc nơi công cộng./.

Xem thêm

Video

Đọc báo in