Người Mông Pác Nặm thay đổi tư duy trồng rừng

BBK - Xóa dần tập tục phát rừng làm nương rẫy, những năm qua, cùng với sự quan tâm hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, đồng bào Mông ở Pác Nặm đã mạnh dạn phát triển kinh tế rừng, đem lại nguồn thu nhập đáng kể để nâng cao đời sống.

Dáng người nhỏ với nụ cười hiền hậu, ông Ngô Văn Lènh, người dân tộc Mông ở thôn Nặm Cáp, xã Công Bằng bước đi thoăn thoắt, tay đưa con dao quắm phát cỏ đường mòn dẫn chúng tôi vượt dốc lên khu đồi sản xuất Nà Mậu.

Năm 2011, khi có Dự án 147 của Chính phủ đầu tư, nhằm phủ xanh đất trống đồi trọc ở huyện Pác Nặm, ông Lènh bắt đầu trồng rừng. Ngoài ra, ông còn làm chuồng trại nuôi trâu sinh sản, chăn nuôi lợn đen, gà thả đồi...

Ông Lènh chia sẻ: “Khi ấy, Nhà nước hỗ trợ giống cây, tiền công chăm sóc nhưng bà con người Mông còn chưa tin tưởng sẽ thu được lợi ích từ trồng rừng, nên không ai dám nhận. Tôi thấy đất trống đồi trọc thì tiếc, nên mạnh dạn đăng ký thực hiện 1ha mỡ. Sau 10 năm chăm sóc cho khai thác bán thu lãi khoảng 50 triệu đồng, gia đình tôi tiếp tục chăm sóc và trồng mới, mở rộng diện tích lên hơn 02ha. Từ trồng rừng và chăn nuôi, gia đình có thu nhập khá”.

Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ trồng rừng mang lại, khi đó ông Lènh còn làm trưởng thôn (nay làm công an viên thôn), đã tích cực vận động được hơn chục hộ dân chuyển đổi các diện tích đồi tạp, nương trồng ngô, sắn kém hiệu quả sang trồng mỡ. Hiện, toàn thôn có hơn 30/80 hộ dân trồng rừng, bình quân mỗi hộ trồng trên 1ha. Nhiều hộ tích cực đăng ký trồng rừng từ chương trình trồng rừng của huyện, đồng thời bỏ vốn đầu tư mở đường sản xuất, chăm sóc rừng trồng.

Đường vào thôn Tân Hợi, xã An Thắng nay đã được bê tông hóa phẳng lỳ, thuận tiện, dọc hai bên đường là những vạt đồi keo, mỡ lên xanh mướt; nhiều hộ dân xây dựng được nhà cửa kiên cố, vững chãi. Nhờ thay đổi tư duy trong phát triển kinh tế, hơn 50 hộ đồng bào dân tộc Mông, Dao nơi đây đoàn kết xây dựng nông thôn mới, nhiều hộ dân vươn lên làm giàu nhờ kết hợp chăn nuôi trâu, bò và trồng rừng.

Tại khoảnh đồi keo rộng hơn 1ha của gia đình, bà Hoàng Thị Mỵ ở thôn Tân Hợi chia sẻ: “Cây keo có chu kỳ sinh trưởng từ khi trồng đến khi khai thác khoảng 6 - 7 năm, cho thu lãi khoảng 60 - 70 triệu đồng. Trồng rừng chỉ tốn công chăm sóc trong 3 năm đầu, những năm sau khi rừng cây đã khép tán thì gần như không phải chăm sóc gì thêm. Trong thôn đã có nhiều hộ dân có thu nhập cao từ trồng rừng, người này nhìn người kia mà làm".

Ông Nguyễn Hữu Kết, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Pác Nặm cho biết: “Với nhiều cơ chế hỗ trợ cùng với những chính sách trong việc phát triển kinh tế từ trồng rừng, những năm gần đây, diện tích trồng của huyện Pác Nặm tăng cao. Nhiều diện tích rừng đã cho khai thác, từ đó tạo động lực cho sự thay đổi trong tư duy phát triển kinh tế rừng của đồng bào các dân tộc sinh sống tại địa phương, nhất là trong cộng đồng người dân tộc Mông, Dao. Từ đầu năm đến nay Pác Nặm trồng rừng vượt kế hoạch khá cao (đạt hơn 530/258ha theo kế hoạch)... Qua đó, giúp tăng độ che phủ rừng toàn huyện đạt 58%.

Sự thay đổi trong nhận thức, tư duy của đồng bào các dân tộc thiểu số, đặc biệt là đồng bào dân tộc Mông sống trên địa bàn huyện Pác Nặm đã cho thấy sự chuyển hướng và cách làm đúng đắn của địa phương trong việc chú trọng đẩy mạnh phát triển trồng rừng. Đến nay, bà con không chỉ trồng cây keo, mỡ, lát mà dần chuyển sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn như quế, hồi, bạch đàn... Diện tích rừng ngày một tăng sẽ góp phần bảo vệ môi trường và tăng độ che phủ đất, loại bỏ những vườn đồi tạp, tạo nguồn sinh kế mới cho người dân thoát nghèo bền vững./.

Xem thêm