Chủ trì Phiên họp có các đồng chí: Nguyễn Đăng Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Phạm Duy Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Hà Văn Tuyên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh; Hoàng Văn Thiên, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông; Lê Văn Hội, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ. Tham dự có lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương.
Hội nghị đã nghe đại diện các sở, ngành chức năng trình bày báo cáo tóm tắt về kết quả chuyển đổi số 4 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới; dự thảo kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh; kết quả thực hiện các chỉ số về cải cách hành chính, sự hài lòng về phục vụ hành chính, hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2023; dự thảo kế hoạch khắc phục những tồn tại, hạn chế các chỉ số trên, nâng cao chất lượng chỉ số năm 2024; kết quả thực hiện Đề án 06 trong tháng 4 và phương hướng nhiệm vụ tháng 5/2024; dự thảo các kế hoạch kiểm tra công tác CCHC, chuyển đổi số và Đề án 06 tại một số địa phương; cải thiện và nâng cao chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) của tỉnh Bắc Kạn năm 2024…
Các báo cáo tại Phiên họp cho thấy, được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, kết quả Chỉ số CCHC (PAR INDEX) năm 2023 của tỉnh Bắc Kạn tăng 4,89 điểm (tăng 04 bậc so với năm 2022). Trong đó một số lĩnh vực đạt điểm số tương đối cao so với điểm tối đa, như: Lĩnh vực cải cách TTHC đạt 99,23% so với điểm tối đa; lĩnh vực cải cách thể chế đạt 93,64% điểm tối đa; lĩnh vực chỉ đạo điều hành đạt 93,36%; lĩnh vực cải cách tổ chức bộ máy đạt 92,52%. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) của tỉnh tăng 0,91 điểm (tăng 08 bậc so với năm 2022). Trong đó 04/8 chỉ số nội dung tăng điểm so với năm 2022; có 02 chỉ số nội dung ở nhóm đạt điểm cao (chỉ số Tham gia của người dân ở cấp cơ sở và Quản trị môi trường).
Đến nay tỉnh đã hoàn thành cung cấp 25/25 dịch vụ công theo Đề án số 06 và 13/28 dịch vụ công theo Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 04/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ trên cổng Dịch vụ công quốc gia. Về kết quả thực hiện 53 dịch vụ công thiết yếu, toàn tỉnh đã tiếp nhận và giải quyết qua Dịch vụ công 12.803/13.537 hồ sơ, đạt 94,6%. Trong đó có 19/53 thủ tục đạt tỷ lệ 100% tiếp nhận và giải quyết qua DVC; 08 thủ tục không phát sinh hồ sơ; 01 thủ tục đạt tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ qua DVC dưới 50% là cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe…
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác chuyển đổi số, cải cách hành chính vẫn còn những hạn chế, như: Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) năm 2023 giảm 0,35% (giảm 03 bậc so với năm 2022), xếp vị trí 63/63 tỉnh, thành phố; 09/09 chỉ số thành phần mức độ hài lòng của người dân đều dưới 80%. Chỉ số PAR INDEX còn 01 lĩnh vực có tỷ lệ điểm đạt thấp so với điểm tối đa (Tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và phát triển KTXH), giảm 27 bậc so với năm 2022. Còn 04 tiêu chí, tiêu chí thành phần không đạt điểm và 35 tiêu chí, tiêu chí thành phần không đạt điểm tối đa.
Chỉ số PAPI còn 01 chỉ số nội dung xếp ở nhóm thấp (Cung ứng dịch vụ công); một số nội dung thành phần đạt điểm thấp so với điểm tối đa, như: Phúc đáp qua cổng thông tin điện tử; Giải đáp khiếu nại, tố cáo, khúc mắc của người dân; Người dân biết sử dụng cổng thông tin điện tử của chính quyền địa phương; Nghiêm túc trong bảo vệ môi trường; Đóng góp tự nguyện; Tiếp cận thông tin. Đối với việc thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số 4 tháng đầu năm, kết quả đạt được nhìn chung còn chậm so với tiến độ đề ra.
Sau gợi ý trọng tâm thảo luận của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình, Phiên họp đã thảo luận về kết quả đạt được, trong đó phân tích kỹ nguyên nhân chủ quan, khách quan của những hạn chế thời gian qua; đưa ra phương hướng, nhiệm vụ và đề xuất trong thời gian tới. Trong đó, các địa phương phản ánh những khó khăn về máy móc thiết bị đã cũ; trình độ nắm bắt CNTT của cán bộ, người dân còn hạn chế; một số thủ tục hành chính được thực hiện qua mạng (như cấp đổi GPLX) vẫn không dễ cho người dân tự thực hiện tại nhà; việc chi trả chế độ cho đối tượng chính sách qua tài khoản, cập nhật thông tin về người lao động, chứng thực điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt trong ngành Giáo dục… còn gặp một số khó khăn. Cần quan tâm nâng cao năng lực, thái độ, ý thức làm việc của cán bộ, nhất là những bộ phận thường xuyên tiếp xúc, giải quyết công việc cho người dân. Xem lại chất lượng tuyển dụng cán bộ.
Phát biểu tại Phiên họp, đồng chí Phạm Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị: Các sở ngành, địa phương bám sát nhiệm vụ đề ra, chỉ đạo thực hiện sâu sát, quyết liệt, hiệu quả. Các huyện chỉ đạo cán bộ tiếp dân phải nâng cao trình độ, ân cần, tận tụy khi phục vụ Nhân dân. Sở, ngành chuyên môn có giải pháp đầu tư hạ tầng chuyển đổi số, kết nối liên thông cơ sở dữ liệu. Nâng cấp đường truyền, đầu tư trang thiết bị. Tích cực số hóa dữ liệu các ngành, địa phương. Linh hoạt, đẩy nhanh tiến độ cài đặt phần mềm VneID cho người dân. Đưa chuyển đổi số vào trường học, thông qua tổ chức đoàn thanh niên; xây dựng các tài liệu hướng dẫn thực hiện dịch vụ công trực tuyến trực quan bằng hình ảnh cho người dân.
Kết luận Phiên họp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình tiếp thu ý kiến, kiến nghị của các ngành, địa phương, đồng thời khẳng định tỉnh sẽ điều chuyển nguồn lực đầu tư để ưu tiên cho những lĩnh vực quan trọng.
Đồng chí đề nghị các sở, ngành, địa phương tiếp tục phát huy kết quả đạt được, quyết tâm nâng hạng các chỉ số, cải thiện chỉ số một cách thực chất; phấn đấu vào nhóm giữa, nhóm trung bình cao trong thực hiện các nhiệm vụ CCHC, chuyển đổi số và Đề án 06.
Quyết liệt hơn trong chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ hành chính công. Nâng cao tinh thần, thái độ, sự khéo léo và tinh tế trong giao tiếp ứng xử khi phục vụ dân. Xây dựng các mô hình phục vụ thủ tục hành chính vì sự hài lòng của người dân, hướng về cơ sở, nhất là mô hình giải quyết thủ tục hành chính không giấy vào ngày nghỉ cuối tuần. Giao các sở, ngành là cơ quan thường trực các chương trình có giải pháp, kế hoạch cụ thể để nâng cao các chỉ số chuyển đổi số. Xây dựng lộ trình, nhanh chóng đưa các thủ tục hành chính qua mạng vào hoạt động. Hoàn thiện, nâng cao chất lượng hạ tầng viễn thông. Phấn đấu năm 2024 là năm vì sự hài lòng của người dân.
Tập trung ưu tiên, thực hiện quyết liệt hơn các nhiệm vụ chuyển đổi số; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện chuyển đổi số... Đưa kết quả thực hiện chuyển đổi số, CCHC và Đề án 06 vào làm tiêu chí xét thi đua năm 2024.
CÁC TẬP THỂ, CÁ NHÂN ĐƯỢC TỈNH KHEN THƯỞNG TRONG PHONG TRÀO THI ĐUA “BẮC KẠN ĐẨY MẠNH CHƯƠNG TRÌNH CHUYỂN ĐỔI SỐ” NĂM 2022 VÀ NĂM 2023
I. TẬP THỂ:
1. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
2. Sở Tài nguyên và Môi trường
3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
4. Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh
5. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bắc Kạn
6. Phòng Tham mưu, Công an tỉnh Bắc Kạn
II. CÁ NHÂN:
1. Ông Trịnh Đức Trình, Giám đốc Viettel Bắc Kạn
2. Ông Hoàng Tùng Lâm, Giám đốc Chi nhánh Bưu chính Viettel Bắc Kạn
3. Ông Hứa Văn Chương, Phó Trưởng phòng Tài chính hành chính sự nghiệp, Sở Tài chính
4. Bà Hà Hồng Cương, chuyên viên Phòng Công nghệ thông tin - Bưu chính, Viễn thông, Sở Thông tin và Truyền thông
5. Bà Tăng Thị Hồng Nhung, chuyên viên Phòng Văn xã - Ngoại vụ, Văn phòng UBND tỉnh Bắc Kạn.
Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn tặng Bằng khen cho 06 tập thể và 05 cá nhân có thành tích xuất sắc trong Phong trào thi đua “Bắc Kạn đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số” năm 2022 và năm 2023./.