Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số

BBK - Trong bối cảnh hiện nay, đất nước muốn phát triển đột phá phải dựa vào không gian mới, trong đó chủ yếu là không gian số. Không gian mới đó cần có hạ tầng mới, đó là hạ tầng số.

Người dân đến giao dịch tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.
Người dân đến giao dịch tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

Xuất phát từ điều đó, Ngày chuyển đổi số năm 2024 được Bộ Thông tin và Truyền thông lấy chủ đề là “Phổ cập hạ tầng số, sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động”.

unnamed-2958.jpg
Người dân đến giao dịch tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

Thời gian qua, với sự quan tâm, chỉ đạo của tỉnh và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của doanh nghiệp và người dân, công tác chuyển đổi số nói chung, đầu tư cho hạ tầng số nói riêng của Bắc Kạn có những chuyển biến tích cực. Về hạ tầng số, mạng lưới viễn thông của tỉnh được duy trì hoạt động ổn định với 100% xã, phường, thị trấn được phủ sóng di động 2G/3G/4G; đã quang hóa 100% hạ tầng đường truyền tới các đơn vị, địa phương; duy trì mạng truyền số liệu chuyên dùng tại 100% cơ quan, đơn vị ở cả 3 cấp hành chính.

Năm 2024 là năm thương mại hoá 5G trên phạm vi toàn quốc. Để bắt nhịp với xu thế chung, các doanh nghiệp viễn thông hàng đầu tại tỉnh như Viettel, VNPT đã chủ động triển khai mạng thông tin di động 5G. Trong 9 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã lắp đặt được 15 trạm phát sóng 5G, trong đó Viettel 13 trạm, VNPT 02 trạm. Mạng lưới thông tin liên lạc được bảo đảm ổn định, ứng phó tốt với các tình huống thiên tai.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông, hiện tỉnh đã hoàn thành Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP); số thuê bao truy nhập internet băng rộng tăng hơn 27.000 thuê bao so với năm 2023; tỷ lệ hộ gia đình sử dụng băng rộng cố định FTTH đạt 69,72%, tăng 2,32%; số thuê bao điện thoại di động sử dụng thiết bị điện thoại thông minh tăng hơn 9.000 thuê bao, tỷ lệ tăng 2,8%. Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh đã mở rộng kết nối, chia sẻ dữ liệu và ngày càng được hoàn thiện. Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh được nâng cấp nhiều hạng mục quan trọng, đã cài đặt, vận hành thêm 14 phần mềm chuyên ngành và dùng chung toàn tỉnh, nâng số lượng phần mềm cài đặt tại đây lên 41.

Trong xây dựng chính quyền số, tỉnh đã đưa vào sử dụng thêm 04 CSDL chuyên ngành, nâng số lượng CSDL chuyên ngành dùng chung lên 17; tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử duy trì tốt với tỷ lệ 100%, trong đó khoảng 98% gửi điện tử hoàn toàn không dùng bản giấy, giúp tiết kiệm trên 10 tỷ đồng chi phí hành chính. Chất lượng sử dụng dịch vụ công toàn trình (DVCTT) của tỉnh được cải thiện ở nhiều chỉ số quan trọng. Đến giữa tháng 9/2024, tỷ lệ cung cấp DVCTT toàn trình đạt 63,7% trên tổng số thủ tục hành chính; tỷ lệ hồ sơ phát sinh trực tuyến đạt 73,4% trên tổng số hồ sơ; tỷ lệ thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia đạt 58,8%, tăng mạnh so với năm 2023. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính ngày càng hoàn thiện...

Hệ thống cổng, trang thông tin điện tử, hệ thống thông tin chuyên ngành đang được các đơn vị duy trì sử dụng và thực hiện việc cập nhật bổ sung dữ liệu thường xuyên. Tất cả đã góp phần quan trọng vào công tác lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, phục vụ ngày một tốt hơn nhu cầu người dân, doanh nghiệp.

Năm 2024 là tỉnh đã hoàn thành việc phê duyệt hồ sơ cấp độ an toàn thông tin trên 90% hệ thống, tăng 17% so với năm 2023. Cuộc thi tìm hiểu chuyển đổi số trực tuyến diễn ra từ ngày 26/8 đến 26/9/2024, đã thu hút 27.002 người dự thi, trong đó có 6.660 người dân, còn lại là cán bộ công chức, viên chức, tăng gần 6.000 người so với năm 2023.

Đề án 06 tiếp tục là điểm sáng của tỉnh. Tỷ lệ người dân (từ 14 tuổi trở lên) có tài khoản định danh điện tử đến cuối tháng 6/2024 đạt 58,9%; Từ tháng 7/2024, thực hiện việc cấp căn cước cho trẻ em dưới 14 tuổi theo quy định Luật Căn cước năm 2023, tỉnh đã tiến hành thu nhận được trên 44.000 hồ sơ, đạt tỷ lệ 53,1% trên tổng số trẻ em dưới 14 tuổi của tỉnh. Tỷ lệ lượt công dân đi khám, chữa bệnh sử dụng căn cước gắn chip thay BHYT tăng khoảng 20% so với thời điểm tháng 12/2023; chi lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng tăng 12%; chi bảo hiểm thất nghiệp qua tài khoản duy trì ở mức 100%; số lượng người dân đăng ký, sử dụng VssID đạt 66.692, tăng hơn 3.000 người so với năm 2023…

Với quan điểm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu động lực của chuyển đổi số, thời gian tới, nhằm tiếp tục củng cố, đầu tư cho hạ tầng số, tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số phù hợp nhu cầu và điều kiện thực tiễn. Trong đó, trọng tâm là nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số, thúc đẩy sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị vào tiến trình chuyển đổi số. Triển khai cho các Tổ công nghệ số cộng đồng đồng loạt ra quân, hướng dẫn người dân sử dụng các dịch vụ, ứng dụng thiết thực để phát triển kinh tế số, như: Sử dụng dịch vụ công trực tuyến; hướng dẫn thanh toán không dùng tiền mặt; mua bán trên sàn thương mại điện tử Việt Nam; bảo vệ bản thân và gia đình trên môi trường mạng; tìm kiếm thông tin hiệu quả trên Internet.../.

Xem thêm

Video

Đọc báo in