Xã Nông Hạ, huyện Chợ Mới là địa phương có nhiều diện tích đất bị xói lở nghiêm trọng. Đặc biệt là khu vực thôn Nà Cù, cả cánh đồng vài héc-ta sau cơn bão lũ qua giờ tan hoang, xơ xác, hiện trạng đất canh tác bị thay đổi hoàn toàn. Lũ to làm trôi đi từng thớ đất, vùi lấp toàn bộ cây trồng... có những thửa ruộng hiện giờ chỉ trơ lại từng lớp đất, đá nham nhở, nhiều hố sâu lồi lõm xuất hiện, việc khôi phục những diện tích này rất khó và cần nhiều thời gian.
Ông Ngô Quang Tuấn, ở thôn Nà Cù, xã Nông Hạ có 6.000m2 ngô bị mất trắng. Khu ruộng của ông nằm sát bờ sông nên bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Toàn bộ ruộng bị nước lũ san phẳng, chỉ còn trơ lại đất đá. Ông Tuấn cho biết hiện chưa có kế hoạch cải tạo diện tích ruộng bị xói lở bởi lớp đất màu, đất phù sa đều bị cuốn trôi, muốn cải tạo cần kinh phí rất lớn. Vụ này gia đình ông không còn gì để thu hoạch.
Xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông cũng có nhiều diện tích ngô, lúa, cây ăn quả gieo trồng gần bờ sông bị xói lở. Bà Bàn Thị Vanh ở thôn Nà Lìu có tới vài trăm mét vuông ruộng ngô bị nước cuốn trôi do ảnh hưởng của cơn bão số 3. Hiện các diện tích này vẫn có nguy cơ xói lở.
Để khắc phục tình trạng này, Bà Vanh và một hộ dân đã bỏ ra gần chục triệu đồng thuê máy xúc, xin xã khơi thông dòng chảy tránh bị xói lở vào diện tích đất sản xuất, tuy nhiên đó chỉ là giải pháp tạm thời.
Không chỉ đất sản xuất bị ảnh hưởng, nhiều hộ dân sinh sống gần sông suối cũng nơm nớp lo sợ bị sạt lở. Ngôi nhà của ông Nông Văn Mơi ở tổ 19, phường Sông Cầu (TP. Bắc Kạn), mưa lũ đã làm sạt lở hơn 1m đất sát chân móng. Ông Mơi cho biết, ngôi nhà mới xây năm 2018, nay đã bị nước sông Cầu gây xói lở, chỉ trơ lại chân móng, biết rất nguy hiểm nhưng gia đình tôi vẫn chưa có phương án xử lý lâu dài.
Ảnh hưởng của cơn bão số 3, toàn tỉnh Bắc Kạn có hơn 2.000ha diện tích nông, lâm nghiệp bị ảnh hưởng như bị vùi lấp, xói lở, ngập úng. Điều này làm ảnh hưởng đến sản lượng lương thực chung toàn tỉnh và tăng trưởng của ngành Nông nghiệp.
Không chỉ vậy, cơn bão số 3 qua đi, khiến nhiều hộ dân mất đất nông nghiệp, mất trắng cây trồng hoặc còn đất nhưng bị thay đổi hiện trạng, cải tạo lại tốn rất nhiều công sức, tiền của.
Tỉnh đã chỉ đạo các địa phương vận động Nhân dân chủ động khắc phục thiên tai, khôi phục sản xuất nông, lâm nghiệp, lựa chọn các cây trồng phù hợp. Tiếp tục rà soát, thống kê diện tích, mức độ thiệt hại, đồng thời hoàn thiện các thủ tục để thực hiện các chính sách hỗ trợ theo quy định hiện hành./.