Phát hiện sớm các vết nứt, sụt lún để tránh hiểm họa sạt lở

BBK - Nhiều vết nứt, sụt lún trên đồi đã được phát hiện tại nhiều địa phương sau cơn bão số 3. Những phát hiện sớm như vậy là rất cần thiết để đưa ra cảnh báo, tránh thiệt hại về tính mạng, tài sản cho Nhà nước và Nhân dân.

vet 4.jpg
Trên đồi phía sau khu dân cư thôn Nà Áng, xã Đồng Lạc (huyện Chợ Đồn) xuất hiện các vệt sạt trượt dài.

Cơn bão số 3 đi qua để lại hậu quả nặng nề về người và tài sản cho người dân miền Bắc nói chung và tỉnh Bắc Kạn nói riêng, rất nhiều hộ gia đình có nhà cửa bị hỏng, đường xá giao thông, các công trình cơ sở hạ tầng bị hư hại lớn. Nhiều hộ dân phải dời nhà cửa đi ở nơi khác hoặc dựng lán tạm để ở bởi nhà cửa của họ đã bị hỏng, nứt, sập… không còn an toàn. Lý do là mưa lớn kéo dài, đất đá lâu ngày ngấm nước dẫn tới đất lở, sạt trượt. Từ thực tế đó cho thấy, việc đưa ra những cảnh báo sớm về thiên tai, phát hiện các vết nứt trên đồi, khu vực sinh sống gần khu vực dân cư là rất quan trọng.

sat 1.png
Khu dân cư tổ 16, phường Sông Cầu (TP. Bắc Kạn) cũng xuất hiện nhiều vết nứt ngang dọc trên đồi, đe dọa đến đời sống người dân.

Rất nhiều vết nứt được phát hiện, hình thành sau cơn bão số 3 vừa qua. Tại tổ 16, phường Sông Cầu (TP. Bắc Kạn) có 10 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp, đất sạt xuống làm nhà cửa một số hộ dân bị hỏng. Tại vị trí phía đồi nhà dân hiện xuất hiện nhiều vết nứt lớn nhỏ chạy ngang dọc, trong đó có vết nứt rộng lên đến cả mét, độ sâu 1-2 mét, chưa kể các vết nứt nhỏ đang hình thành. Nếu thời tiết mưa to, nửa quả đồi này sẽ uy hiếp tính mạng, tài sản của nhiều hộ dân.

Vết nứt trên đồi ở tổ 16, phường Sông Cầu (TP. Bắc Kạn)

Hộ anh Nguyễn Tuấn Anh, công dân tổ 16, phường Sông Cầu cho biết: "Các vết nứt trên đồi sạt xuống theo kiểu giật cấp khiến áp lực đất từ dưới đùn lên làm hỏng hết nhà vệ sinh, nền nhà, bể phốt của gia đình tôi và hộ kế bên. Hiện gia đình phải chuyển các vật dụng sinh hoạt ra gian phòng ở ngoài, buổi tối di chuyển đến ở nhờ nhà người quen”.

Tương tự ở xã Đồng Lạc (huyện Chợ Đồn), chính quyền nơi đây đã phải rất quyết liệt mới vận động được 58 hộ dân di dời đi nơi khác, bởi nhà cửa phần lớn các hộ dân bị nứt, hư hỏng do đồi có biểu hiện sạt trượt.

Ông Lý Văn Hiệp, Trưởng thôn Nà Pha, xã Đồng Lạc chia sẻ: “Mấy chục năm qua, trên địa bàn chưa xảy ra hiện tượng sạt lở như vậy. Hôm 10/9 mưa to không ngớt, tôi đã vận động mấy người trong thôn đi kiểm tra xung quanh thôn, sau đồi, thì phát hiện vết nứt trên đường đi xã Xuân Lạc, nguy cơ đe dọa đến nhà cửa cả làng. Chúng tôi đã báo cáo lãnh đạo xã xin ý kiến của huyện cho di dời khẩn cấp các hộ trong thôn ngay sau đó”.

nhu co.jpg
Đoàn kiểm tra của tỉnh khảo sát các vị trí sạt lở tại thôn Nà Chào, xã Như Cố (huyện Chợ Mới).

Theo như nhận định của chính quyền xã và người dân, hiện tượng nứt đồi đã gây áp lực lên kết cấu của hầu hết nhà dân khiến nhà bị nghiêng, bung nền, nứt tường. Hiện các hộ dân thuộc diện di dời khẩn cấp đang được bố trí ở tập trung tại đình chợ của xã Đồng Lạc.

IMG_0508 (1).jpg
Vị trí sạt lở vào nhà dân ở khu dân cư tổ 9, phường Phùng Chí Kiên (TP. Bắc Kạn).

Sau cơn bão số 3, các cấp, ngành, địa phương đã tăng cường rà soát, tiến hành kiểm tra các vị trí sạt lở trên địa bàn, qua đó phát hiện nhiều điểm xuất hiện các vết nứt như: Khu dân cư Nà Pha, Nà Áng, xã Đồng Lạc; khu dân cư Tà Han, xã Xuân Lạc (huyện Chợ Đồn); khu dân cư Khuổi Luông, xã Khang Ninh; Nà Thẩu, Nà Bjoóc, xã Đồng Phúc (huyện Ba Bể); khu dân cư Nà Thoi, Nà Chạp, xã Quang Thuận (huyện Bạch Thông); khu dân cư xã Mai Lạp (huyện Chợ Mới); tổ 16, phường Sông Cầu (TP. Bắc Kạn) và còn nhiều điểm khác trên địa bàn.

Từ thực tế đó cho thấy công tác thăm nắm, khảo sát địa chất, kiểm tra các khu vực trọng yếu, vị trí núi đồi dốc là rất cần thiết, nhất là vào mùa mưa. Qua đó giúp chính quyền địa phương đưa ra những cảnh báo, phương án di dời sớm người và tài sản để tránh những hậu quả đáng tiếc./.

Xem thêm

Video

Đọc báo in