Trong đó, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo cơ quan chức năng và các địa phương chú trọng bảo vệ, phục hồi rừng đầu nguồn. Trồng rừng và phủ xanh đất trống, ưu tiên trồng các loại cây bản địa, có khả năng giữ nước và chống xói mòn, đồng thời thực hiện phục hồi rừng tự nhiên. Tăng cường tuần tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi khai thác gỗ và phá rừng trái phép. Phát triển và nhân rộng các mô hình quản lý rừng cộng đồng, giao đất, giao rừng cho người dân quản lý và hưởng lợi từ việc bảo vệ, tái tạo rừng đầu nguồn. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về bảo vệ nguồn nước bằng các hình thức như: Sử dụng các phương tiện truyền thông, tổ chức hội thảo về bảo vệ nguồn nước.
Theo số liệu quan trắc của ngành Tài nguyên và Môi trường, tỉnh Bắc Kạn có 47 sông, suối có chiều dài từ 10km trở lên, trong đó lưu vực sông Cầu có 14 sông, suối; lưu vực sông Năng có 15 sông, suối lưu vực sông Bằng Giang - Kỳ Cùng có 15 sông, suối; lưu vực sông Phó đáy có 3 sông, suối. Tổng lượng dòng chảy năm toàn tỉnh khoảng 3,4 tỷ mét khối. Phần thuộc lưu vực sông Cầu có tổng lượng dòng chảy năm là 998 triệu mét khối, lưu vực sông Năng là 1.190 triệu mét khối, lưu vực sông Bằng Giang 898 triệu mét khối, lưu vực sông Phó Đáy 314 triệu mét khối…
Về chất lượng nước, do nằm ở đầu nguồn nên nhìn chung chất lượng nước của Bắc Kạn còn tương đối tốt. Tuy nhiên, những năm gần đây có việc xảy ra hiện tượng ô nhiễm cục bộ môi trường nước, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, sinh sống của người dân và vật nuôi khu vực hạ lưu. Trong năm 2024 một số sông vẫn còn bị ô nhiễm từ các hoạt động sản xuất, khai thác khoáng sản, đổ đất thải như: Sông Bắc Giang, sông Cầu, sông Nặm Cắt… Hoạt động xử lý chất thải, rác thải sinh hoạt tại các khu vực thành thị, nông thôn chưa được xử lý triệt để nên tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Theo đánh giá của Viện Khoa học Tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho thấy: Dưới tác động của biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan, tình trạng căng thẳng về nước theo mùa ngày càng diễn biến phức tạp. Điều này không chỉ làm gia tăng rủi ro thiên tai mà còn tạo áp lực vô cùng lớn đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung, đối với các tỉnh trung du miền núi phía Bắc, trong đó có tỉnh Bắc Kạn nói riêng. Vốn dĩ, thu nhập của người dân trung du và miền núi phía Bắc phần lớn từ sản xuất nông, lâm nghiệp, tức là phải có đất, nước để sản xuất. Tuy nhiên, quỹ đất sản xuất ở miền núi, vốn đã eo hẹp lại đối diện với nguy cơ thoái hóa, thậm chí bị sa mạc hóa, ngày càng trầm trọng.
Trao đổi với phóng viên Báo Bắc Kạn, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) chia sẻ: Để tiếp tục bảo vệ, quản lý, sử dụng tài nguyên nước có hiệu quả, tỉnh Bắc Kạn cần thực hiện một số giải pháp, biện pháp cụ thể và cân nhắc, xem xét, kỹ lưỡng để triển khai như: Xây dựng hệ thống thông tin tài nguyên nước và hệ thống giám sát đi kèm phục vụ đánh giá, dự báo diễn biến nguồn nước./.