Trước đây, việc canh tác lúa truyền thống của bà con phụ thuộc nhiều vào phân bón vô cơ như đạm, kali, sau một thời gian dài sẽ khiến đất bị chai cứng, bạc màu, làm mất đi các chất hữu cơ và vi sinh vật có lợi trong đất. Sử dụng không đúng cách, hoặc quá liều lượng còn gây ô nhiễm môi trường, ngộ độc cho cây trồng và người tiêu dùng.
Để hạn chế sự lệ thuộc vào phân bón vô cơ, thời gian qua, ngành Nông nghiệp đã lồng ghép các chương trình, dự án phổ biến, hướng dẫn người dân phương pháp quy trình sản xuất lúa hữu cơ, từ khâu xử lý đất, chăm sóc trên từng giai đoạn phát triển của cây lúa, lựa chọn một số vùng lúa tập trung để thực hiện. Qua đó dần hình thành các vùng trồng lúa hữu cơ, mở ra cơ hội nâng cao thu nhập cho bà con.
Kết quả, đến nay toàn tỉnh có khoảng 1.000ha lúa hữu cơ, trong đó riêng Chi cục Trồng trọt, Quản lý chất lượng và BVTV tỉnh Bắc Kạn đã triển khai được 500ha tại các huyện Chợ Đồn, Ngân Sơn, Ba Bể, Bạch Thông, Chợ Mới, diện tích còn lại thông qua các chương trình, dự án, các huyện tự chủ động triển khai. Hiện một số vùng trồng ở các thôn Phiêng Quắc, Pác Toong, Pác Là, Nà Chợ, xã Yên Phong (Chợ Đồn) có 16,7ha được cấp giấy chứng nhận hữu cơ; gần đây là hơn 13ha tại thôn Pác Phai, xã Thượng Giáo (Ba Bể).
Chị Hoàng Thị Chinh, thành viên Tổ hợp tác sản xuất lúa hữu cơ Yên Phong 1, (huyện Chợ Đồn) cho biết: "Đây là năm thứ 3 gia đình tôi tham gia trồng lúa hữu cơ. Qua đó cho thấy trồng lúa hữu cơ không khó, chi phí bỏ ra năm đầu tiên tuy nhiều hơn do cần một lượng phân lớn để cải tạo đất, nhưng từ vụ thứ 2 trở đi, khi môi trường đất đã vào ổn định thì chi phí giảm dần. Từ ngày được công nhận là vùng trồng lúa hữu cơ, giá trị từ cây lúa ở đây được nâng lên. Vụ mùa này, giá thóc Bao thai, thóc Nhật J02 bán được 13.000 đồng/kg, gạo là 25.000 đồng/kg, thôn tôi có 40 hộ thì giờ có 36 hộ trồng lúa hữu cơ”.
Tại các vùng trồng lúa hữu cơ như xã Yên Phong, huyện Chợ Đồn và Thượng Giáo, huyện Ba Bể hiện đã hình thành các tổ hợp tác sản xuất lúa hữu cơ. Các tổ có nhiệm vụ liên kết các thành viên tham gia vào quy trình trồng, sản xuất, kết nối thị trường. Hiện có một số đơn vị như HTX Huyền Hân (Thái Nguyên), HTX Yến Dương (Ba Bể), công ty TNHH nông sản Minh Vân (TP. Thái Nguyên) đặt vấn đề liên kết tiêu thụ sản phẩm của bà con.
Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp, trồng lúa hữu cơ mang lại những ưu điểm như giúp cây chắc khỏe, cải thiện đất, môi trường, năng suất đạt khá, bình quân 52 tạ/ha, chi phí đầu tư trên cùng một đơn vị diện tích ở cách làm truyền thống và sản xuất hữu cơ là như nhau, khoảng 2 triệu đồng/1.000m2.
Người dân Bắc Kạn mới làm quen với phương thức sản xuất hữu cơ, chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc trồng, chăm sóc, chế biến, bảo quản. Điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh trên thị trường. Do vậy ngoài việc duy trì vùng trồng, bà con cần chú trọng đến khâu xay xát, chế biến, đầu tư dây chuyền, máy móc để chế biến sâu, hoàn thiện quy trình đạt chuẩn.
Cùng với đó, các cấp, ngành địa phương tiếp tục có chính sách thu hút các doanh nghiệp, công ty liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hữu cơ; đồng hành, tuyên truyền phổ biến khoa học kỹ thuật để bà con ứng dụng kỹ thuật hiệu quả vào canh tác lúa, từ đó nâng giá trị cây trồng./.