Doanh nghiệp bỏ tiền tỷ đầu tư cấp chứng chỉ FSC rừng cho người dân

BBK - Chi nhánh Công ty TNHH Kẻ gỗ tại Bắc Kạn và đơn vị tư vấn là Viện Nghiên cứu lâm sinh - Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam đang triển khai các bước đầu tiên của dự án nhằm nâng cao giá trị của hàng ngàn héc-ta rừng tại 04 xã phía Nam của huyện Chợ Đồn.

img-5359.jpg
Chi nhánh Công ty TNHH Kẻ gỗ tại Bắc Kạn và Viện Nghiên cứu lâm sinh Việt Nam triển khai tập huấn cho bà con thôn Đon Liên, xã Bình Trung (Chợ Đồn) về lợi ích khi tham gia quản lý rừng bền vững.

Đây chính là những bước khởi đầu đầy hy vọng về tương lai của những khu rừng được đầu tư, chăm sóc, quản lý theo tiêu chuẩn, đủ điều kiện được tổ chức quốc tế cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững mang tên FSC.

ban-sao-img-5382.jpg
Sản xuất chế biến sản phẩm từ gỗ rừng trồng ở Chi nhánh Công ty TNHH Kẻ gỗ tại Khu Công nghiệp Thanh Bình - Bắc Kạn

Chi nhánh Công ty TNHH Kẻ Gỗ tại Bắc Kạn hiện đang vận hành Nhà máy sản xuất đồ gỗ dùng một lần tại Khu công nghiệp Thanh Bình, huyện Chợ Mới. Phần lớn sản phẩm của công ty xuất khẩu sang thị trường châu Âu, châu Úc và Bắc Mỹ. Thị trường này đòi hỏi khắt khe về chứng chỉ quản lý rừng bền vững đối với vùng nguyên liệu mà công ty đang mua.

Xuất phát từ yêu cầu đó, được sự chấp thuận của UBND tỉnh và UBND huyện Chợ Đồn, từ tháng 7/2024 Công ty TNHH Kẻ Gỗ và đơn vị tư vấn đã tiến hành khảo sát, đánh giá rừng trồng sản xuất để thực hiện xây dựng hồ sơ quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ FSC trên địa bàn tỉnh với quy mô dự kiến khoảng 3.000ha rừng keo, mỡ cho năm đầu tiên của dự án tại các xã Đại Sảo, Yên Phong, Yên Mỹ và Bình Trung. Phấn đấu từ nay đến sang năm 2025 sẽ đủ điều kiện cấp chứng chỉ FSC cho các diện tích này.

Ông Trịnh Đức Kiên, Phó Giám đốc Công ty TNHH Kẻ Gỗ tại Bắc Kạn cho biết: “Với cái tâm của người sản xuất kinh doanh mặt hàng gỗ xuất khẩu có công ty đứng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, chúng tôi luôn mong muốn gỗ của bà con được mua với giá cao hơn, tạo lợi nhuận cho các bên, muốn vậy rừng phải được cấp chứng chỉ FSC. Mục tiêu là sau 01 năm triển khai sẽ có những chứng chỉ FSC đầu tiên được cấp cho diện tích rừng đạt các tiêu chuẩn tại tỉnh Bắc Kạn, từ đó nhân rộng ở giai đoạn sau. Toàn bộ kinh phí thực hiện dự án được Công ty bỏ ra, với tổng dự toán trên 4 tỷ đồng. Chúng tôi không thu bất cứ một khoản phí nào đối với người dân tham gia dự án; người dân cũng không phải cam kết phải bán gỗ cho Công ty ngay cả khi tham gia. Họ hoàn toàn quyết định bán gỗ cho ai mà không ràng buộc bất cứ điều khoản nào”.

Thôn Đon Liên, xã Bình Trung (Chợ Đồn) có 50 hộ dân thì cả 50 hộ đều có rừng trồng. Các hộ dân ở đây đã được nghe cán bộ của Viện Nghiên cứu lâm sinh trình bày tổng quan về sự cần thiết của việc canh tác, quản lý rừng bền vững cũng như lợi ích rất lớn đem lại cho người dân khi giá trị rừng được nâng lên từ 5-10%. Ông Trương Quốc Tự, người tiên phong trồng rừng ở xã Bình Trung cho biết: “Tôi rất ủng hộ và mong chương trình này thành công, giúp người dân có phương pháp canh tác rừng chuyên nghiệp, nâng cao giá trị thu nhập hơn so với hiện tại. Cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người dân mới có thể cho kết quả tốt trong thời gian tới”.

Theo kế hoạch, sau khi tổ chức họp triển khai ở các cấp từ huyện, xã, thôn và với chủ rừng, Dự án sẽ tiến hành khảo sát ngoại nghiệp, xác định ranh giới, hiện trạng rừng, điều tra chuyên đề, biên tập bản đồ chuyên đề, xây dựng hệ thống quản lý nhóm, tập huấn quản lý nhóm và xây dựng phương án quản lý rừng bền vững, … Cuối cùng là chuẩn bị hồ sơ xin cấp chứng chỉ, ký hợp đồng với tổ chức đánh giá cấp chứng chỉ độc lập, đánh giá chính thức, khắc phục lỗi chưa tuân thủ lớn và tiếp nhận chứng chỉ, đánh giá thường niên hằng năm.

Đại diện Công ty TNHH Kẻ Gỗ tại Bắc Kạn cam kết sau khi diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC, công ty sẽ là đầu mối thu mua, giúp hộ dân ổn định đầu ra lâu dài của sản phẩm từ dự án. Công ty sẽ thu mua gỗ đã có chứng chỉ cho người dân với giá cao hơn giá thị trường từ 5-10% trên cơ sở thỏa thuận”.

Mục tiêu của tỉnh Bắc Kạn đến năm 2030 sẽ có 40.000ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Đây chính là bước khởi đầu để hiện thực hóa mục tiêu này. Với sự tạo điều kiện của chính quyền địa phương, sự vào cuộc, hợp tác chặt chẽ của doanh nghiệp và người dân. Hy vọng sang năm 2025, những những diện tích rừng FSC đầu tiên của tỉnh sẽ được cấp, mở ra hướng đi mới hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người trồng rừng tại tỉnh Bắc Kạn./.

Xem thêm

Video

Đọc báo in