Nà Cáy là thôn đặc biệt khó khăn, nơi sinh sống của 100% đồng bào Dao, cách trung tâm xã Cao Sơn (Bạch Thông) hơn 10km. Được ví như nơi “thâm sơn cùng cốc” với địa hình hiểm trở, giao thông vô cùng khó khăn nên cuộc sống của đồng bào nơi đây gần như cô lập với thế giới bên ngoài. Trong ký ức của những cán bộ xã, huyện mỗi lần đến với Nà Cáy là hành trình gian nan, nguy hiểm. Đi xe máy lên thôn phải gồng mình giữ chắc tay lái trên con đường đất dốc cao với đá hộc lởm chởm, một bên là vực sâu, một bên là vách núi. Vì thế, dù được cấp trên quan tâm đưa một số chương trình, dự án phát triển sản xuất về nhưng hiệu quả thấp bởi giao thông quá khó khăn.
Trưởng thôn Bàn Hữu Dần kể lại: “03 năm trước, khi những cây mận chín sớm trồng theo dự án ra trĩu quả, người dân ai cũng vui. Nhưng để ăn thì không hết, muốn đem bán thì không có đường nên có nhà để mận rụng đầy gốc cây. Nhà tôi xót của lặn lội đèo mận xuống xã Mỹ Thanh bán nhưng công sức bỏ ra quá nhiều”.
Ước mong có con đường nối từ thôn ra xã và xuống xã Mỹ Thanh là khát vọng cháy bỏng bao đời nay của người dân Nà Cáy. Vì thế, ngày đơn vị thi công đem máy móc thiết bị lên thôn làm đường liên xã Cao Sơn – Mỹ Thanh dài 13,3km, tổng giá trị gần 24 tỷ đồng, bà con mừng vui khôn tả. Mở đường, giúp ước mơ của người già thành hiện thực, trẻ em được đến trường và mở ra tương lai ấm no cho 20 hộ đồng bào Dao nơi đây. Hiện nay, tuyến đường đã hoàn thành khoảng 95% khối lượng công việc, dự kiến có thể bàn giao đưa vào sử dụng trong tháng 8/2024.
“Có đường, nhiều bà con dự tính sẽ trồng thêm rừng, cây ăn quả để tăng thu nhập. Con đường này thực sự mang lại rất nhiều ý nghĩa trong việc đi lại, giao thương cho người dân Nà Cáy”, Trưởng thôn Bàn Hữu Dần chia sẻ.
Thực hiện nội dung “Cứng hóa đường đến trung tâm xã chưa được cứng hóa, đường liên xã” thuộc Dự án 4 Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh đã triển khai 09 công trình. Trong đó, có 07 công trình đã hoàn thành, 01 công trình thi công được khoảng 90% khối lượng và 01 công trình mới khởi công. Việc đầu tư xây dựng những tuyến đường trên có ý nghĩa quan trọng giúp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với người dân vùng cao, mở ra cơ hội cho nhiều hộ dân vươn lên.
“Có đường nối từ Cổ Linh sang Nghiên Loan, bà con trong thôn ai cũng phấn khởi. Trước kia, muốn sang đến Nghiên Loan mất gần 1 tiếng đồng hồ, giờ có đường mới chỉ 10 phút là đến nơi. Đi lại, giao thương thuận lợi, một số hộ đã mạnh dạn vay vốn về phát triển chăn nuôi, trồng trọt”, ông Hà Văn Tốt, xã Cổ Linh (Pác Nặm) cho hay.
Bà Triệu Thị Thu Phương, Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết: Việc triển khai các công trình cứng hóa đường đến trung tâm xã, đường liên xã thuộc Chương trình MTQG có ý nghĩa quan trọng, nhằm củng cố hạ tầng, thúc đẩy sản xuất, nâng cao đời sống đối với người dân vùng khó khăn. Mỗi con đường được xây dựng sẽ mở ra cơ hội phát triển, giúp những khát vọng vươn lên của đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh dần trở thành hiện thực./.