Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Huế, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn:

Cần quy định cụ thể để bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể trước nguy cơ mai một

BBK - Chiều 23/10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV thảo luận phiên toàn thể tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). 

z5959960184547-50fa71c350fe52c93d22f8fd4079eeb4-994-2002.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Huế, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bắc Kạn góp ý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp.

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024). Sau khi được chỉnh lý trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan, ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học tại các hội nghị, hội thảo do các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp này gồm 9 chương, 100 điều.

Theo Báo cáo của Chính phủ, cả nước hiện có 3.630 di tích quốc gia, 133 di tích quốc gia đặc biệt, 08 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, việc thực hiện các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, thăm dò, khai quật khảo cổ, các hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa diễn ra liên tục, thường xuyên trên phạm vi cả nước.

Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Huế, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh góp ý cụ thể vào một số nội dung của dự thảo Luật.

Phân tích các quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm đối với di sản văn hóa, đại biểu cho biết về trách nhiệm của cộng đồng, cá nhân sở hữu di sản văn hóa, dự thảo Luật chưa có quy định cụ thể hướng dẫn việc xác định nguy cơ, biểu hiện bị làm sai lệch giá trị, bị hủy hoại, bị mất đối với di sản văn hoá hoặc giao cơ quan nào quy định nội dung này. Như vậy, trên thực tế rất khó để các cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân xác định và thực hiện tốt trách nhiệm này, đặc biệt là đối với các di sản văn hoá phi vật thể. Do đó, đề nghị xem xét, bổ sung quy định về nội dung này cho phù hợp, đảm bảo thuận lợi, khả thi khi thực hiện.

Đối với quy định về thẩm quyền thực hiện ghi danh, ghi danh bổ sung, hủy bỏ ghi danh đối với di sản văn hóa phi vật thể và di sản tư liệu, đại biểu nêu rõ các quy định còn chưa thống nhất về chủ thể có trách nhiệm thực hiện việc lập, trình hồ sơ trình và chủ thể đề nghị cơ quan có thẩm quyền ghi danh, ghi danh bổ sung và đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định thống nhất để áp dụng khi Luật được ban hành.

Quan tâm đến quy định về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, thất truyền, đại biểu cho rằng các tiêu chí xác định di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, thất truyền cần được bảo vệ quy định còn chung chung, định tính, khó cho các cơ quan chuyên môn trong việc xác định để đề xuất bảo vệ, trong khi, dự thảo cũng chưa có quy định giao cơ quan nào hướng dẫn. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định các tiêu chí cụ thể hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết về nội dung này để có cách hiểu thống nhất, thuận lợi khi thực hiện.

Theo Chương trình kỳ họp, với đa số ý kiến thảo luận đồng thuận, Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét, biểu quyết thông qua tại kỳ họp này./.

Xem thêm

Video

Đọc báo in