Theo Chương trình dự kiến, Kỳ họp này diễn ra trong 28,5 ngày làm việc và được tiến hành theo 2 đợt, đợt 1 từ 21/10 - 13/11; đợt 2 từ 20/11 - 30/11/2024.
Tại Kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét 39 nội dung, gồm có 29 nội dung thuộc công tác lập pháp và 10 nhóm nội dung về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát, công tác nhân sự và các vấn đề khác. Trong số đó, có 4 nội dung mới được bổ sung vào chương trình kỳ họp gồm: Xem xét, thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam (theo trình tự, thủ tục rút gọn); xem xét, thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (theo quy trình tại 1 kỳ họp); cho ý kiến về dự án Luật Dữ liệu; xem xét, quyết định chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam.
Với khối lượng công việc rất lớn, tại Kỳ họp này, dự kiến Chính phủ trình Quốc hội 81 hồ sơ, tài liệu, báo cáo, trong đó có 25 dự án luật trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, thông qua. Theo đó, công tác chuẩn bị cho kỳ họp rất nặng nề, đòi hỏi các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội và Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố đều phải nỗ lực, cố gắng với tinh thần trách nhiệm rất cao.
Vừa qua, trong phát biểu tại Phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: “Kỳ họp thứ 8 sẽ làm việc trên tinh thần đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, không luật hóa nghị định, thông tư, để từng bước nâng cao hơn nữa tính chuyên nghiệp và chất lượng trong công tác xây dựng pháp luật”. Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội đã giao Ban Công tác đại biểu chuẩn bị kỹ lưỡng công tác nhân sự; Ban Dân nguyện phối hợp với các cơ quan thực hiện tốt công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại trong thời gian diễn ra Kỳ họp; Tổng Thư ký Quốc hội khẩn trương phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tham mưu để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định nhóm vấn đề chất vấn và các nội dung cần thiết để chuẩn bị tốt nhất các điều kiện để phục vụ cho các hoạt động của Kỳ họp./.