Công tác dân tộc

Đồng bào Mông Bắc Kạn tin và biết ơn Đảng

BBK - Do sinh sống chủ yếu ở vùng cao, giao thông trở ngại khiến cho cuộc sống của phần lớn đồng bào dân tộc Mông ở Bắc Kạn trước đây còn nhiều khó khăn. Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy, chính quyền, cùng chính sách hỗ trợ, đầu tư của Đảng và Nhà nước đã giúp cho cuộc sống của đồng bào Mông có những đổi thay tích cực.

Tăng cường đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội

z5879145550987_d58f419ce54eeb597b0e0971db8d9aee.jpg
Học sinh dân tộc Mông ở Khuổi Nộc, xã Lương Thượng (Na Rì) được quan tâm, chăm sóc.

05 năm trước, mỗi khi vào mùa mưa dù cách quốc lộ khoảng 04km nhưng để lên được thôn Khuổi Nộc, xã Lương Thượng (Na Rì) là cả hành trình gian nan. Giao thông trở ngại là một trong những lý do khiến cuộc sống của hơn 140 hộ đồng bào Mông nơi đây gặp khó khăn, với tỷ lệ hộ nghèo hơn 90%. Nắm bắt được trở ngại này, từ nguồn vốn Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, năm 2019 và 2020, cấp trên đã đầu tư làm đường bê tông lên thôn Khuổi Nộc. Có đường, có điện cùng với các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất đã giúp thay đổi diện mạo nông thôn ở Khuổi Nộc, đời sống của người dân có chuyển biến rõ rệt. Năm 2021, Nhà Văn hóa thôn được xây dựng khang trang với giá trị 280 triệu đồng, trong đó, người dân đóng góp 50%; điểm trường Mầm non và Tiểu học được xây kiên cố minh chứng thêm cho sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với bà con vùng cao.

Trưởng thôn Khuổi Nộc, ông Dương Hồng Sinh chia sẻ: Cùng với đầu tư hạ tầng thiết yếu, chúng tôi còn được quan tâm xóa nhà tạm, hỗ trợ phát triển sản xuất. Năm 2023, có 21 hộ được xóa nhà tạm từ Chương trình MTTQ và nguồn của Bộ Quốc phòng, năm 2024 có thêm 10 hộ được hỗ trợ xây nhà; 06 hộ được hỗ trợ nuôi dê sinh sản (mỗi hộ 10 con tương ứng trọng lượng 210kg). 02/04 hộ đăng ký thoát nghèo trong năm nay được hỗ trợ 01 con ngựa/hộ. Toàn thôn có 146 hộ, có 35 hộ thuộc diện trung bình và khá, 04 hộ mới thoát nghèo năm trước.

Ông Nông Văn Nhược, Chủ tịch UBND xã Phúc Lộc (Ba Bể) cho biết: Trên địa bàn xã hiện có hơn 100 hộ đồng bào dân tộc Mông sinh sống tại 4 thôn vùng cao với đa số là hộ nghèo. Để tiếp lực cho đồng bào vùng cao vươn lên, xã đang và sẽ sử dụng nguồn vốn từ các chương trình MTQG đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và triển khai các mô hình sản xuất tạo sinh kế bền vững cho người dân.

dong-bao-dan-toc-mong-o-bac.jpg
Đường lên thôn đồng bào Mông Cốc Nọt, xã Công Bằng (Pác Nặm) được bê tông giúp người dân đi lại thuận lợi.

Từ năm 2022 đến nay, Bắc Kạn đã phân bổ vốn để thực hiện 434 dự án giao thông, 162 dự án thủy lợi, 67 dự án nước sinh hoạt tập trung, 59 nhà văn hóa, 47 dự án trường học, 14 dự án chợ, 6 trạm y tế xã. Nhờ đó, 85% xã có đường ô tô đến trung tâm xã đạt cấp 6 trở lên; 95% thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa tạo điều kiện cho Nhân dân đi lại, giao thương. Đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 131/282 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, tăng 42 trường so với năm 2019. Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tiếp tục được củng cố và nâng cao, duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2 và đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.

Hạ tầng y tế được quan tâm đầu tư với 01 Bệnh viện đa khoa tỉnh quy mô 500 giường bệnh và 08 bệnh viện tuyến huyện; 108 xã, phường, thị trấn có trạm y tế hoạt động. Hệ thống thủy lợi của tỉnh được đầu tư xây dựng và củng cố với phần lớn diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới và tiêu nước chủ động…Việc hoàn thiện kết cấu hạ tầng cơ bản sau 27 năm tái lập tỉnh giúp đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó có đồng bào Mông phát triển kinh tế - xã hội. Đồng bào Mông là 01 trong có 07 dân tộc anh em cùng chung sống trên địa bàn Bắc Kạn với dân số khoảng hơn 24.000 người, chiếm 8% dân số toàn tỉnh.

Củng cố niềm tin vào Đảng và Nhà nước

Đồng bào người Mông, Dao ở các thôn: Vằng Doọc, Khuổi Đẩy, Bản Pèo, xã Bình Trung (Chợ Đồn) nhiều năm nay phải vật lộn với con đường mỗi khi trời mưa để ra trung tâm xã. Từ đầu năm 2024, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh đầu tư từ nguồn Chương trình MTQG (Dự án bố trí ổn định dân cư tại chỗ) để làm đường. Đáp ứng đúng nhu cầu cấp thiết từ cơ sở nên việc triển khai dự án nhận được sự đồng tình, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền và đồng bào vùng cao. Tuyến đường dài 8,4km đang trong giai đoạn thi công khi hoàn thành vào cuối năm nay sẽ mang lại niềm vui cho hơn 200 hộ dân đồng bào Mông và Dao. Ngoài ra, các thôn trong vùng dự án còn được đầu tư công trình nước sạch, làm nhà văn hóa (Vằng Doọc đã có nhà văn hóa trước đó) và thủy lợi.

7-8367.jpg
Đồng bào Mông ở Bắc Kạn luôn đoàn kết cùng các dân tộc anh em xây dựng quê hương.

Anh Thào Seo Sình, Trưởng thôn Vằng Doọc, xã Bình Trung phấn khởi: “Có đường bê tông bà con trong thôn đi lại, vận chuyển hàng hóa ra trung tâm xã hay sang Tuyên Quang sẽ đều thuận lợi. Cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số chúng tôi rồi đây sẽ đổi khác. Đồng bào Mông ở Vằng Doọc tin Đảng, cảm ơn Đảng nhiều lắm!”.

Không chỉ ở Bình Trung (Chợ Đồn), hay Lương Thượng (Na Rì) ... đồng bào Mông sinh sống tại địa bàn các địa phương trong tỉnh những năm qua đều có nhiều thay đổi nhờ một phần trợ lực từ các chế độ, chính sách đầu tư hạ tầng, dự án sản xuất của Trung ương và tỉnh. Điều này góp phần củng cố niềm tin yêu của đồng bào Mông vào sự lãnh đạo của Đảng, là cơ sở xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, chống lại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo.

Bà Triệu Thị Thu Phương, Trưởng ban Dân tộc tỉnh chia sẻ: Công tác dân tộc, chính sách dân tộc được Bắc Kạn chú trọng thực hiện công khai, đúng mục đích và đúng đối tượng. Từ thực tế triển khai cho thấy, các chính sách dân tộc đã tạo điều kiện trực tiếp cho đồng bào DTTS, trong đó có đồng bào Mông có điều kiện vươn lên ổn định cuộc sống, góp phần tích cực vào công tác xoá đói, giảm nghèo, xây dựng quê hương Bắc Kạn ngày càng phát triển./.

Xem thêm

Video

Đọc báo in