Linh hoạt kết hợp mô hình cây ăn quả với trồng rừng

BBK - Dọc đường từ xã Đôn Phong (Bạch Thông) vào thôn Nà Lồm, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi những vườn quýt bạt ngàn, xen vào đó là màu xanh ngút mắt của rừng mỡ, keo, quế. Nhờ linh hoạt kết hợp trồng cây ăn quả với trồng rừng, nhiều hộ dân trong thôn đã vươn lên làm giàu, trong đó điển hình là gia đình anh Bàn Văn Đường.
Anh Bàn Văn Đường vận chuyển cây cam giống đi trồng xen với các cây ăn quả khác.

Anh Bàn Văn Đường vận chuyển cây cam giống đi trồng xen với các cây ăn quả khác.

Đất canh tác của người dân thôn Nà Lồm phần lớn ở khu vực đồi núi có độ dốc cao khiến việc sản xuất gặp nhiều khó khăn. Với tinh thần nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, anh Bàn Văn Đường đã tìm thấy hướng đi mới cho phát triển kinh tế gia đình.

Nhận thấy cây quýt phù hợp chất đất và phát triển tốt, gia đình anh đã trồng thử nghiệm 300 cây. Ban đầu do chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên năng suất thấp, không nản chí, anh Đường kiên trì tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ những mô hình thành công khác. Năm 2015 anh quyết định trồng thêm 500 cây quýt xen cây hồi và trồng mỡ. Đến nay gia đình anh đã có 02 vườn quýt đang cho thu nhập, 02 vườn mỡ đến độ tuổi khai thác, nhiều cây trồng đang được gia đình mở rộng diện tích.

Vừa trở về từ vườn quýt, anh cho biết: “Hằng năm, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi có thu nhập trên 100 triệu đồng. Nhờ đó chúng tôi đã xây được nhà, con cái được đi học đầy đủ”.

Theo anh Đường, cây quýt chăm sóc khá vất vả nhất là khi trồng trên đồi cao, khí hậu, đất đai không được thuận lợi. Khi bước vào mùa mưa, cây rất dễ bị sâu gốc hoặc các loại bệnh như vàng lá, phấn trắng. Do đó, phải có biện pháp phòng ngừa kịp thời ngay khi bắt đầu ra lá non.

Hiện nay, hầu như trong thôn nhà nào cũng trồng cây ăn quả, nhà trồng ít cũng khoảng 500m2 trở lên. Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, một số hộ dân đang chủ động liên kết với các đầu mối tiêu thụ sản phẩm ở thành phố Bắc Kạn và một số tỉnh, thành khác để ổn định đầu ra.

Chứng kiến nhiều ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát bên những vườn cây ăn quả sai trĩu cành, ai cũng cảm nhận rõ diện mạo đổi thay, cuộc sống no ấm của người dân nơi đây. Chính sự cần cù, ham học hỏi, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã giúp cho cuộc sống bà con thôn Nà Lồm ngày càng giàu đẹp, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng nông thôn mới của xã Đôn Phong./.

Đặng Hý Hoan

Lớp Báo chí K17, Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên

Xem thêm

Video

Đọc báo in