5 giờ sáng, trên cánh đồng thôn thôn Cốc Pái đã nhộn nhịp người qua lại. Dưới những thửa ruộng trồng dưa chuột, rộn ràng câu chuyện về dưa được mùa, được giá.
Ông Nguyễn Cao Ký, thôn Cốc Pái phấn khởi chia sẻ: “Vụ này, gia đình tôi trồng 1.000m2 dưa chuột, năng suất đạt hơn 3 tấn quả/1.000m2. Thời điểm mới thu hoạch, giá bán 12.000 đồng/kg, hiện nay giá giảm xuống 6.000 - 8.000 đồng/kg. Tuy nhiên, dưa dễ bán, cứ đến ngày thu hoạch, chúng tôi chỉ cần xếp mỗi túi 20kg, chở đến điểm tập kết là tư thương thu mua hết. Với mức giá trên vụ này tôi cũng có thu nhập 35 triệu đồng. So với trồng lúa thì hiệu quả vượt trội.
Hơn 01 tháng nay, ngày nào bà Hoàng Thị Niên ở thôn Tân Hoan cũng “bám” ruộng để chăm sóc, thu hoạch dưa đúng kích cỡ, bảo đảm tiêu chuẩn. Trước kia người dân cũng trồng dưa chuột nhưng giá cả bấp bênh, khó tiêu thụ. Từ ngày liên kết với hợp tác xã trồng dưa chuột, nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Với gần 600m2, mỗi ngày gia đình bà Niên hái được từ 1 - 2 tạ quả, với giá bán trung bình 8.000 đồng/kg, một vụ dưa bà thu lãi gần 20 triệu đồng. Đây là thu nhập cao nhất từ trước đến nay nên bà rất phấn khởi.
Ông Triệu Văn May, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Tú cho biết: Trước đây, người dân chỉ canh tác theo phương thức truyền thống như trồng lúa, ngô, rau màu nên giá trị kinh tế không cao, nhiều hộ bỏ đất hoang. Để đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, xã tuyên truyền, vận động người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, dưa chuột là một trong những cây trồng được lựa chọn. Qua 3 vụ triển khai đã mang lại hiệu quả rõ rệt, giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích cao hơn hẳn so với trồng lúa, ngô. Xã phấn đấu trong năm 2025, trồng 10ha diện tích cây dưa chuột.
Ông Đàm Mạnh Cường, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bạch Thông: "Mô hình trồng dưa chuột sau một năm triển khai đã cho thấy được những tín hiệu tích cực, việc liên kết giữa nhà nông và nhà tiêu thụ ổn định, đem lại thu nhập cao cho người dân. Trong năm 2025, huyện Bạch Thông có định hướng bà con chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng dưa chuột tại 14 xã trên địa bàn huyện với diện tích khoảng 100ha".
Được biết, HTX Tài Lộc có địa chỉ tại xã Đôn Phong, huyện Bạch Thông phối hợp với Hợp tác xã Đại Thắng (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) ký hợp đồng liên kết trồng và bao tiêu sản phẩm dưa chuột nên bà con không còn lo lắng về đầu ra, yên tâm mở rộng diện tích sản xuất.
HTX cam kết ứng hạt giống và một số vật tư như lưới, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho các hộ nếu có nhu cầu và tiêu thụ toàn bộ sản phẩm theo giá thị trường. Cam kết thu mua với giá tối thiểu là 2.000 đồng/kg. Tuy nhiên, từ thực tế cho thấy cây dưa chuột dễ trồng, dễ chăm sóc, thời vụ ngắn và bán được giá nên từ khi thực hiện mô hình này hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích mang lại khá cao so với trồng các loại cây khác. Nhiều hộ nghèo vươn lên ổn định cuộc sống và có thu nhập khá.
Thông qua chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dưa chuột, nông dân xã Tân Tú từng bước làm quen với phương thức trồng thâm canh và sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm. Góp phần giúp người dân địa phương có tư duy sản xuất theo hướng liên kết bền vững mang lại giá trị kinh tế cao./.