Bệnh viêm da nổi cục xảy ra đầu tiên vào ngày 10/6 tại thị trấn Nà Phặc, huyện Ngân Sơn làm 45 con bò của 22 hộ dân bị mắc bệnh. Tính đến ngày 23/6, dịch bệnh VDNC đã xảy ra tại 41 hộ dân thuộc 5 xã làm 74 con trâu, bò mắc bệnh, trong đó có 02 con chết.
Trước nguy cơ dịch có thể lây lan rộng, tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống như: Tăng cường thông tin, tuyên truyền về mức độ nguy hại của bệnh VDNC, hướng dẫn người dân chủ động giám sát gia súc, kịp thời phát hiện các trường hợp gia súc mắc bệnh, nghi bị bệnh và báo cáo chính quyền địa phương. Khoanh vùng dịch, kiểm soát việc vận chuyển trâu, bò ra, vào các xã có dịch hoặc thành lập đội kiểm soát lưu động để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các trường hợp cố tình vận chuyển gia súc ra, vào các xã có dịch. Hướng dẫn người dân nuôi cách ly đối với đàn trâu, bò chưa mắc bệnh tại các khu vực có gia súc mắc bệnh, nghi mắc bệnh VDNC.
Tổ chức tiêu hủy những trâu, bò bị chết do mắc bệnh VDNC. Khẩn trương thực hiện tiêm phòng vắc xin bao vây ổ dịch VDNC. Tổ chức tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng, thuốc diệt côn trùng, ruồi, muỗi, ve, mòng… liên tục trong vòng 03 tuần tại các hộ chăn nuôi có trâu, bò mắc bệnh, nghi bị bệnh, đồng thời tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng toàn bộ các vùng có nguy cơ cao, xung quanh hộ chăn nuôi có trâu, bò bị bệnh...
Tập trung các nguồn lực và áp dụng đồng bộ các giải pháp để kiểm soát, xử lý dứt điểm các ổ dịch, hạn chế dịch bệnh lây lan và phát sinh các ổ dịch mới. Khẩn trương rà soát nhu cầu tiêm phòng vắc xin VDNC...
Tính đến nay, tỉnh đã cung cấp đủ số lượng vắc xin theo nhu cầu thực tế. Kết quả, huyện Ngân Sơn đã tiêm được hơn 600 liều vắc xin, huyện Ba Bể tiêm được hơn 300 liều vắc xin. Hiện, một số con sau khi tiêm, áp dụng các biện pháp chăm sóc đã có các triệu chứng giảm bệnh rõ rệt. Đối với vùng chưa có dịch, cần chủ động tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch từ xa, từ sớm, không để dịch lây lan, bùng phát.
Bệnh viêm da nổi cục gọi là bệnh da sần, là bệnh truyền nhiễm do một loại virus gây ra trên trâu, bò. Đường truyền lây chủ yếu qua côn trùng đốt như muỗi, ruồi, ve. Bệnh có thể lây truyền do vận chuyển trâu, bò mang mầm bệnh, sử dụng chung máng uống, khu vực cho ăn, sữa, tinh dịch và qua tiếp xúc trực tiếp. Bệnh thường xảy ra theo mùa, chủ yếu vào những tháng có thời tiết ấm. Khi vật nuôi mắc bệnh sẽ giảm khả năng sinh sản, tổn thương.
Biểu hiện bệnh VDNC trên trâu, bò, xuất hiện và hình thành các nốt sần có hình tròn, chắc và nhô cao trên da, mô dưới da. Các nốt sần lớn có thể bị hoại tử và cuối cùng là xơ hóa và tồn tại trong vài tháng, để lại các vết sẹo có thể tồn tại vĩnh viễn. Các mụn nước, vết hoại tử và vết loét có thể xuất hiện ở màng nhầy của miệng và đường tiêu hóa. Chân và các bộ phận vùng bụng khác của cơ thể, như bao da, ức, bìu và âm hộ, có thể bị tiết dịch, khiến con vật không muốn di chuyển, bò đực có thể bị vô sinh vĩnh viễn hoặc tạm thời.
Năm 2020, bệnh VDNC được phát hiện sau đó lan rộng ra trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Tháng 12 năm 2021, tất cả các ổ dịch đã được kiểm soát hoàn toàn và công bố hết dịch. Hiện nay dịch VDNC lại tái phát, nguy cơ đe dọa tới ngành chăn nuôi./.