Những ngày này, đi dọc theo tuyến đường tỉnh 258B qua thôn Nà Quạng, xã Cao Tân (Pác Nặm) dễ dàng bắt gặp những giàn măng rừng vàng ươm mùi nắng đang được phơi khô. Đây là sản phẩm đem lại nguồn thu nhập khá cho người dân nơi đây lúc nông nhàn.
Thoăn thoắt đôi tay chẻ măng thuần thục, bà Lường Thị Hoa, người dân thôn Nà Quạng chia sẻ: "Tôi theo nghề làm măng khô được 10 năm nay. Nguồn nguyên liệu là cây mạy thốc. Từ tháng 5 đến hết tháng 8 âm lịch, người trong thôn khai thác và sơ chế măng. Nghề sấy măng không nặng nhọc nhưng các công đoạn đều làm thủ công nên đòi hỏi sự tỉ mỉ, kỳ công".
Để tạo ra sản phẩm măng khô chất lượng, ngay sau khi lấy măng tươi về phải cắt bỏ những đoạn bị xơ, già, rồi luộc chín, để nguội. Sau đó dùng dao chẻ măng nhưng không được chẻ quá mỏng hoặc quá dày. Muốn có những mẻ măng sấy vàng óng thơm ngon và để được lâu thì ngay từ khi luộc phải canh lửa, đảo măng thật kỹ để măng chín đúng độ, sau đó chẻ măng phải đều tay, phơi nắng trong 3 ngày, sau đó sấy khô khoảng 2 - 3 tiếng bằng cách đốt vỏ trấu hun khói, rồi để nguội, bảo quản trong túi nilon hút chân không...
Anh Dương Văn Lường, thôn Nà Quạng cho biết: "Tôi thu mua măng từ người dân các xã An Thắng, Bằng Thành, Nghiên Loan (Pác Nặm), Cao Thượng (Ba Bể) và xã Đà Vị (huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang)... với giá dao động từ 4.500 – 5.000 đồng/kg. Măng khô có giá bán từ 110.000 – 130.000 đồng/kg, 1 tạ măng tươi làm được khoảng 8kg măng khô. Mỗi vụ gia đình tôi làm được khoảng 4 - 5 tạ măng khô, có thêm khoản thu nhập từ nông sản phụ".
Ông Nông Văn Cảnh, Trưởng thôn Nà Quạng cho biết: "Thôn có 94 hộ dân thì có khoảng 20 hộ làm măng khô mạy thốc. Sản phẩm làm ra có tư thương đến tận nơi thu mua, giá cả ổn định, thu nhập khá. Tuy nhiên, để nghề làm măng khô phát triển và xây dựng được thương hiệu sản phẩm, thành lập hợp tác xã là điều khó khăn, do nguồn nguyên liệu đầu vào không ổn định, chủ yếu nhập từ các địa phương khác, chế biến bằng phương pháp thủ công, quy mô sản xuất nhỏ lẻ".
Theo ông Ma Văn Tựu, Chủ tịch UBND xã Cao Tân: Nghề làm măng khô đã có từ nhiều năm trên địa bàn xã, chủ yếu phát triển ở thôn Nà Quạng. Qua tìm hiểu nhận thấy cây mạy thốc phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương, nhiều lần chúng tôi cũng kiến nghị với các cấp, ngành chuyên môn triển khai xây dựng đề án phát triển loại cây trồng này; quan tâm, nghiên cứu xác định mã gen, vùng trồng nguyên liệu, hướng tới xây dựng thương hiệu măng khô đặc sản của địa phương./.
Thanh Hảo