Chúng tôi tìm đến căn nhà gỗ đơn sơ của ông Sỹ Hoàn. Từ cổng nhà đã vang lên tiếng lạch cạch, thanh âm nhịp nhàng ấy phát ra từ đôi đũa và chiếc bát của người Nghệ nhân dân gian đã gần 70 tuổi. Giữa đám cỏ xanh mướt, người đàn ông với vóc người đầy đặn, nước da ngăm rắn rỏi, mái tóc muối tiêu cười rạng rỡ nhắc về tình yêu văn hoá, văn nghệ, đặc biệt là điệu múa đã theo ông từ những ngày ấu thơ.
Lớn lên giữa những thanh âm mềm mại của bản làng người Tày, từ thủa ấu thơ, Sỹ Hoàn đã bộc lộ năng khiếu và trở thành cây văn nghệ trong những hoạt động tập thể của trường học và địa phương. Khi đến tuổi trưởng thành, ông được tuyển vào Đoàn Văn công Bắc Thái và là diễn viên múa. Trong thời gian đi biểu diễn phục vụ người dân ở khắp các thôn, xã, ông còn tham gia viết kịch bản, dàn dựng các tiết mục.
Năm 1976, ông Hoàn được cử đi tập huấn tại Trường Múa Việt Nam. Từ năm 1982 đến năm 2016, ông làm việc tại Phòng Văn hoá, Thông tin và Thể thao huyện Chợ Đồn (nay là Phòng Văn hoá - Thông tin). Trong thời gian công tác Nghệ nhân Sỹ Hoàn đã đạt được các thành tích tiêu biểu như: Huy chương Vàng tiết mục Xuất sắc Cánh chim Khau fia tại Hội diễn Nghệ thuật quần chúng Quân Khu 1; nhiều giấy khen là cộng tác viên tiêu biểu của Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh Bắc Kạn.
Yêu văn hoá, văn nghệ từ nhỏ, lại được gắn bó với nghệ thuật đến khi tóc bạc, Nghệ nhân Sỹ Hoàn bảo đó là một may mắn. Cầm chiếc bát và đôi đũa trên tay, đôi mắt ông như bừng sáng: "Tôi đã được theo đoàn leo bộ hàng chục ki-lô-mét đến những thôn, xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số để biểu diễn cho bà con xem. Những chuyến đi đó đã giúp tôi học được thêm nhiều làn điệu độc đáo, từ đó càng trân trọng, yêu quý bản sắc văn hoá truyền thống. Khi đến những nơi có người Tày sinh sống, tôi đều hỏi và được nhắc đến múa bát. Rất là vui, vì đây là điệu múa đã gắn bó với tuổi thơ của tôi".
Ký ức tuổi thơ của ông Hoàn là những cuộc vui đầu xuân, có các bà, các mẹ trong trang phục truyền thống của dân tộc Tày, rộn rã, khéo léo múa bát. Dù cuộc sống là những ngày dãi nắng, dầm mưa, là những đêm trắng xay ngô, giã gạo nhưng đồng bào dân tộc Tày vẫn tạo ra niềm vui từ những công việc tay chân quen thuộc ấy. Trong các đám cưới, đám đầy tháng, mừng nhà mới, lễ hội… hễ có niềm vui là ở đấy có múa bát. Trong những đêm trăng thanh, phụ nữ tập trung nhau lại, sáng tạo động tác cho phong phú, nhịp nhàng để cùng nhau hoà chung nhịp điệu trong các ngày vui của bản làng.
Múa bát thường được thực hiện trong các cuộc vui, nơi tập trung đông người. Không gian càng rộn rã, hân hoan, múa bát càng thu hút. Bên bếp lửa bập bùng; trong ngôi nhà sàn, hay giữa đám hội cầu mùa, múa bát nối ánh mắt long lanh thành vòng tròn lớn, nhịp nhàng và uyển chuyển. Điệu múa hoà nhịp theo thanh âm vui tai của đũa và bát chạm nhau, người quen, người lạ mời nhau đứng lên theo nhịp điệu. Nụ cười nối nụ cười, lòng người cũng vì thế mà quên đi phiền muộn, nối dài thêm tinh thần đoàn kết ở những bản làng.
Có ý nghĩa tinh thần và gắn bó lâu dài với đồng bào dân tộc Tày như vậy, nhưng một thời gian dài, múa bát bị bỏ quên, không ai nhắc đến và cũng ít người biết đến. Nhớ về tuổi thơ với điệu múa bát đi theo năm tháng, Nghệ nhân Sỹ Hoàn đã đi tìm hiểu, ghi chép lại tư liệu từ những người già ở các bản làng của đồng bào dân tộc Tày để truyền dạy lại cho các đội văn nghệ địa phương, Từ năm 2016 đến nay, ông đã dàn dựng và hướng dẫn cho 26 đội văn nghệ với 244 nghệ nhân, diễn viên toàn tỉnh Bắc Kạn. Từ những đội, nhóm đầu tiên ấy, theo thời gian, múa bát đã trở thành nét đặc trưng riêng mang dấu ấn của đồng bào dân tộc Tày. Năm 2022, Nghệ thuật trình diễn dân gian múa bát của người Tày tỉnh Bắc Kạn đã được đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.
Nhắc về những lần đi truyền dạy múa bát ở các làng bản người dân tộc Tày, nghệ nhân Sĩ Hoàn luôn trăn trở với những “vị khách” đặc biệt. Đó là các cụ bà ở tuổi xưa nay hiếm, không đến tập múa mà chỉ ngồi xem ở một góc phòng tập. Các cụ như thể đang trở về một thời tuổi trẻ, lặng lẽ nhớ đến tiếng lách cách tưởng như đã rất xa xưa. Những năm tháng ấy, trẻ con 5 tuổi biết cầm bát ăn cơm đã có thể múa bát, tạo thành một vòng tròn nhỏ riêng trong các lễ hội mừng năm mới. Chính những lần gặp gỡ đó, là động lực để ông miệt mài truyền dạy, không chỉ hướng dẫn động tác mà còn cùng người múa cảm nhận cái hay, cái đẹp của điệu múa này. “Có như thế khi múa mới đẹp, mới nâng niu, mới nhịp nhàng” Nghệ nhân Sỹ Hoàn cho biết thêm.
Hiện nay, múa bát đang được khôi phục lại mạnh mẽ tại các địa phương trong tỉnh. Đặc biệt tại Tuần Văn hoá - Du lịch Bắc Kạn 2024, có 1.000 nghệ nhân, diễn viên, người dân tham gia tiết mục múa bát, hứa hẹn sẽ tạo thành điểm nhấn đặc sắc tại Lễ khai mạc. Đó chính là niềm vui lớn của Nghệ nhân dân gian Sỹ Hoàn, đúng như chia sẻ của ông “Thời gian tới, nếu được tạo điều kiện, tôi vẫn sẵn sàng đi truyền dạy điệu múa bát ở mọi nơi. Còn gì vui hơn khi văn hoá nguồn cội được quan tâm, phát triển, đó là vốn quý rất khó để tìm lại”./.