Dấu ấn Lễ hội Lồng tồng Bằng Vân

BBK - Mặc dù thời tiết có mưa nhiều giờ nhưng người dân địa phương và du khách thập phương vẫn nô nức về dự Lễ hội Lồng tồng Bằng Vân. Lễ hội được tổ chức vào rằm tháng Giêng hằng năm,. Tại đây, du khách không chỉ được gặp gỡ, giao lưu mà còn được đắm mình trong không gian văn hóa tâm linh và cùng cầu ước cho năm mới mùa màng bội thu, con người dồi dào sức khỏe, bình an...

Nghi thức rước lễ từ miếu thờ

Miếu thờ thần linh tại thôn Cốc Lải được dòng họ Chu trông coi hằng ngày. Nghe cha ông kể lại, thuở xưa ấy khi đất nước còn cảnh loạn lạc, để dẹp giặc, nhà vua đã cử một viên tướng đến vùng đất này trấn ải và đánh đuổi giặc ngoại xâm. Ông tướng đi đến đâu, quân giặc tan đến đó bởi bên cạnh ông luôn có một người vợ rất giỏi tài cầm quân.

Ngày nọ trên đường đánh trận, vì mải đuổi theo quân giặc, ông vô tình lọt vào ổ phục kích ở núi Phja Đén. Phía sau ông, người vợ lại lo cầm quân giữ chân giặc ở núi Phja Công. Không chịu đầu hàng khi thế cùng lực tận, ông bịt mắt xuống ngựa nhảy xuống núi Phja Đén mà tự vẫn. Người vợ khi nghe tin chồng tử trận tại Phja Đén bà cũng đành trút hận và tự vẫn tại núi Phja Công.

Dân trong vùng cảm thương cho số phận của hai người nên lập miếu thờ chung trên núi Phja Đén. Nhưng do bà mất ở núi Phja Công, nên mỗi khi cầu cúng tại miếu, người dân phải đi gánh nước từ núi Phja Công về miếu thờ ở núi Phja Đén thì việc cầu cúng mới linh nghiệm. Sau này do việc cầu cúng đi lại vất vả quá nên người dân trong vùng làm lễ cúng, cầu xin quan tướng độ trì cho phép lập đàn miếu ở nơi phù hợp để con cháu tiện đi lại hương khói, coi sóc đền miếu. Cầu xong trời bỗng nhiên nổi dông gió, mưa bão ầm ầm. Sớm hôm sau, mọi người ra xem thì không thấy ngôi miếu ở vị trí cũ nữa mà các gắp gianh lợp miếu đã được dông gió đưa đến những vị trí mới.

Gắp thứ nhất rơi xuống chân ngọn núi thuộc thôn Cốc Lải, xã Bằng Vân; gắp thứ hai rơi xuống Bản Sành, xã Thượng Ân; gắp thứ ba rơi xuống Bản Duồi, xã Đức Vân. Dựa theo lời cầu khấn và mách bảo của thần linh, người dân nơi này lập nên 03 ngôi miếu để thờ vợ chồng ông tướng đã có công đánh trận, dẹp giặc khi xưa. Hằng năm, mỗi khi đến lễ, Tết, con cháu trong dòng họ Chu lại sửa soạn mâm cúng, tế cáo, xin phép trời đất, thần linh trước khi tiến hành lễ chính.

Đại diện dòng họ Chu thắp hương, cầu khấn tại miếu thờ trước khi rước lễ về trung tâm tổ chức Lễ hội.

Đại diện dòng họ Chu thắp hương, cầu khấn tại miếu thờ trước khi rước lễ về trung tâm tổ chức Lễ hội.

Lễ hội Lồng tồng Bằng Vân năm nay cũng vậy, đoàn người rước lễ bắt đầu đi từ miếu thờ tại thôn Cốc Lải đến trung tâm tổ chức lễ hội ở bãi Pù Pét. Dẫn đầu là đoàn múa lân, tiếp đến là đại diện con cháu nhà họ Chu, đòn rước mâm cỗ của Ban tổ chức và 14 thôn. Việc sắp xếp mâm cỗ phải theo đúng vị trí. Đại diện dòng họ Chu- chủ lễ lên thắp hương, đọc bài khấn và tung thẻ âm - dương cầu cho con cháu gia tiên, cầu cho Nhân dân sức khỏe, gặp nhiều may mắn, cầu cho mưa thuận, gió hòa dân làng làm ăn phát đạt.

Phát triển văn hóa dân tộc thành sản phẩm du lịch

Đến với Lễ hội Lồng tồng Bằng Vân, du khách được thưởng thức các tiết mục văn nghệ đặc sắc, tung còn khai hội và tham gia các trò chơi dân gian như đẩy gậy, bịt mắt đánh trống, kéo co, bịt mắt bắt vịt, đi cà kheo, giao lưu thể thao giữa các xã, thị trấn… Ngoài ra, còn được thưởng thức văn hóa ẩm thực địa phương, hoà mình vào cảnh sắc của núi non điệp trùng với hoa đào, hoa mận đua nở bên các làng bản trù phú của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Mông, Kinh, Hoa cùng chung sống.

Chia sẻ về cảm xúc khi đến với Lễ hội, ông Triệu Văn Hải, du khách đến từ huyện Thạch An (Cao Bằng) cho biết: "Nhà tôi cách đây hơn 20km, giáp ranh với xã Bằng Vân, vì vậy năm nào lễ hội lồng tồng Bằng Vân được tổ chức, gia đình tôi đều tham gia".

Sau hơn 3 năm không tổ chức để đảm bảo an toàn, phòng dịch bệnh Covid-19, năm nay dù trời mưa nhưng rất đông người háo hức đến với Lễ hội. Lễ hội năm nay có điểm mới là nhiều gian hàng bày bán, giới thiệu các nông sản đặc trưng của địa phương, thu hút được người dân đến tham quan, mua sắm.

Lễ hội Lồng tồng Bằng Vân là lễ hội truyền thống được tổ chức thường niên, ngày càng thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách thập phương đến tham gia. Vì vậy, để gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, khai hiệu quả các thế mạnh của địa phương, huyện Ngân Sơn đã có nhiều các giải pháp để lễ hội lồng tồng gắn với các sản phẩm du lịch của địa phương.

Đến với Lễ hội Lồng tồng Bằng Vân, du khách được trải nghiệm, lưu giữ những bức ảnh đẹp tại các vườn mận, đào khoe đang khoe sắc rực rỡ trên những sườn đồi.

Đến với Lễ hội Lồng tồng Bằng Vân, du khách được trải nghiệm, lưu giữ những bức ảnh đẹp tại các vườn mận, đào khoe đang khoe sắc rực rỡ trên những sườn đồi.

Bà Dương Thị Phương Quế, Phó Chủ tịch UBND huyện Ngân Sơn cho biết: Huyện Ngân Sơn đang triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh huyện Ngân Sơn giai đoạn 2021 – 2025”. Điều này góp phần khai thác hiệu quả các thế mạnh, tiềm năng của địa phương, từng bước hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, trong đó tập trung phát triển các loại cây đặc hữu phù hợp với khí hậu như dẻ, lê, đào… gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Dự kiến lễ hội Lồng tồng Bằng Vân năm 2024 sẽ được nâng lên quy mô tổ chức cấp huyện, các trò chơi dân gian, bản sắc của các dân tộc sinh sống trên địa bàn sẽ được tổ chức phong phú, đa dạng hơn. Đồng thời, huyện sẽ đầu tư xây dựng các điểm tham quan, chụp ảnh để thu hút du khách thập phương đến trải nghiệm. Qua đó, giới thiệu, quảng bá nhiều hơn những nét đặc sắc của địa phương.

Mỗi mùa xuân đến, người dân đi lễ hội không chỉ vì mong muốn gặp gỡ người thân, du xuân, trẩy hội mà còn là cơ hội để cầu nguyện cho bản thân, gia đình một năm mới sức khỏe, bình an, mưa thuận gió hòa. Lễ hội Lồng tồng Bằng Vân vừa có đủ yếu tố tâm linh và đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc là điểm đến rất phù hợp những nhu cầu đó./.

Xem thêm

Video

Đọc báo in