Vi Hương khó “về đích” nông thôn mới đúng hẹn

BBK - Xã Vi Hương có 09 thôn bản, là nơi sinh sống của 630 hộ dân thuộc 05 dân tộc Tày, Kinh, Nùng, Mường, Dao. Hiện xã đã cơ bản đạt chuẩn 17/19 tiêu chí, nhưng địa phương xác định khó có khả năng “về đích” như kỳ vọng, bởi "vướng" tiêu chí về thu nhập và nghèo đa chiều.

HTX Thiên An, xã Vi Hương (Bạch Thông) tạo thu nhập cho nhiều lao động là chị em phụ nữ địa phương.
HTX Thiên An, xã Vi Hương (Bạch Thông) tạo thu nhập cho nhiều lao động là chị em phụ nữ địa phương.
IMG_20240904_174816.jpg
Ông Triệu Tiều Bảo, người dân thôn Nà Lài, xã Vi Hương hiến 50m đất để mở rộng đường sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Hoán, Bí thư Đảng ủy xã Vi Hương cho biết: “Mặc dù huyện đã ưu tiên dành nguồn lực từ các chương trình, dự án của Trung ương và tỉnh để đầu tư cơ sở hạ tầng và các mô hình sản xuất cho xã, nhưng do xuất phát điểm thấp, sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế thấp nên việc nâng cao thu nhập và giảm nghèo trong thời gian ngắn là thách thức lớn đối với địa phương”.

Đối với tiêu chí Nghèo đa chiều, qua điều tra thực tế năm 2023, tỷ lệ nghèo đa chiều của xã là 33,5%. Trong khi đó, theo quy định, để được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đối với xã đặc biệt khó khăn là 13%.

Đến nay, thu nhập bình quân của xã đạt 37,13 triệu đồng/người/năm, trong khi đó theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2022 - 2025, để đạt được tiêu chí Thu nhập thì thu nhập bình quân đầu người năm 2024 phải đạt từ 45 triệu đồng trở lên và năm 2025 đạt 48 triệu đồng trở lên. Đây là bài toán khó đối với cấp ủy, chính quyền xã, bởi dư địa phát triển kinh tế chưa được mở rộng, trong khi một bộ phận người dân thiếu vốn và thiếu sự chủ động trong sản xuất nông – lâm nghiệp.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi là điều kiện tiên quyết để giải bài toán thu nhập. Những năm qua, người dân trên địa bàn đã tích cực phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Trên địa bàn xã có 02 hợp tác xã (HTX) hoạt động hiệu quả, gồm: HTX Thiên An đã có 08 sản phẩm đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh; HTX Dịch vụ nông, lâm nghiệp và xây dựng Hoa Sơn hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, xây dựng. Trong năm 2024, xã Vi Hương tập trung lồng ghép nguồn vốn các chương trình MTQG về nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN để triển khai các mô hình phát triển sản xuất, như: Thực hiện mô hình chăn nuôi trâu sinh sản, với tổng kinh phí dự kiến trên 500 triệu đồng, đã cấp phát giống cho 21 hộ dân là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ nữ làm chủ hộ tham gia; Dự án chăn nuôi dê sinh sản, với tổng kinh phí trên 200 triệu đồng, đã cấp phát hơn 60 con dê sinh sản cho các hộ dân...

Thực tế, xã Vi Hương đã “lỡ hẹn” so với kế hoạch đăng ký hoàn thành nông thôn mới vào năm 2023. Năm 2024, xã tiếp tục là một trong 5 xã điểm của huyện đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới. Thu nhập ổn định, giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ khó, nhưng lại là những tiêu chí hàng đầu trong việc thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, cùng với việc tập trung, tranh thủ, phát huy nguồn lực đầu tư của Nhà nước, xã Vi Hương cần chủ động hơn nữa trong việc khai thác thế mạnh, điều kiện thuận lợi ở cơ sở, nguồn vốn xã hội hóa và hơn hết là tích cực thay đổi tư duy, khơi dậy ý thức, nghị lực vươn lên thoát nghèo của người dân. Bởi suy cho cùng, xây dựng nông thôn mới cũng chính là để nâng cao đời sống cho Nhân dân./.

Xem thêm

Video

Đọc báo in