Vị cam sành ngày Tết

BBK - Cùng với quýt, cam sành là cây có múi từ nhiều năm nay mang lại cuộc sống ấm no cho nhiều nông hộ vùng trồng cây ăn quả huyện Bạch Thông. Mỗi độ Tết về, vị cam sành ngọt lành trở thành nét riêng mang đậm hương sắc miền sơn cước.
Cây cam sành mang lại thu nhập khá cho nhiều hộ dân huyện Bạch Thông.

Cây cam sành mang lại thu nhập khá cho nhiều hộ dân huyện Bạch Thông.

“Của ngon còn một chút này”

Những ngày giáp Tết, vườn cam gần 2ha của ông Bùi Xuân Thu, thôn Bản Chàn, xã Dương Phong luôn tấp nập người đến tham quan, hỏi mua về làm quà. Được trồng đúng theo tiêu chuẩn VietGAP, nên mẫu mã, chất lượng cam của gia đình ông Thu luôn được bảo đảm, tạo thương hiệu riêng trong vùng.

Ông Bùi Xuân Thu cho biết: “Quả cam sành khi chín sẽ chuyển sang màu vàng, vỏ mỏng và hơi sần mọng nước, bên trong ruột vàng óng như mật, vị ngọt thanh mát. Tiếng lành đồn xa, rất nhiều người dân nơi khác đến lấy giống về trồng, nhưng chỉ cam sinh trưởng tại Dương Phong, Quang Thuận mới cho chất lượng thơm ngọt. Năm nào vợ tôi cũng chọn những quả cam to đẹp nhất để bày bàn thờ ngày Tết. Quả cam là thứ không thể thiếu trong ngày đầu xuân mỗi khi khách đến nhà hay gửi quà đi phương xa. Gia đình tôi cùng bà con đang nỗ lực bảo tồn, phát triển loại cây ăn quả đặc sản này”.

Có lẽ không chỉ riêng gia đình ông Thu mà nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Bạch Thông đến ngày Tết đều có đĩa cam sành bày trên bàn thờ tổ tiên. Hương vị thơm ngon, ngọt vừa phải của cam sành cũng là thức quà được nhiều người ưa thích trong những ngày Tết ngập tràn bánh chưng, kẹo, mứt…

Trong ký ức của Tiến sĩ Hoàng Ngọc Đường, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, ngày đầu khi mới tốt nghiệp đại học về quê công tác là những rọ cam sành thơm mọng, vàng ươm của người dân Quang Thuận, Dương Phong mang ra phố thị bán. Đến nay, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Đường vẫn luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với loại cây trồng có múi mang đậm hương sắc vùng cao.

“Nếu đặt lên bàn cân so sánh với nhiều loại cam sành có tiếng trong khu vực thì cam sành Bạch Thông có những giá trị riêng biệt về hương vị, màu sắc và nhất là có thể bảo quản tự nhiên trong thời gian dài”, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Đường đánh giá.

Chị Đào Thị Nguyệt, khách hàng đến từ thành phố Bắc Kạn chia sẻ: “5 năm trước, được người quen giới thiệu tôi đến tận vườn của ông Thu ở Dương Phong mua cam sành về ăn và ưa chuộng từ đó. Năm nay tôi đặt mua 20kg, vừa để trưng bàn thờ, vừa biếu làm quà người quen”.

Cam sành xã Dương Phong vào độ chín rộ.

Cam sành xã Dương Phong vào độ chín rộ.

Vị thế của cây cam sành

Những năm gần đây, giá quýt không cao, khi sản lượng không tăng vì cây thoái hóa thì cây cam sành vẫn cho thu nhập ổn định. Với giá bán 20.000 - 25.000 đồng/kg, 1ha cam sành cho thu nhập khoảng 250 - 300 triệu đồng, cao gấp 2 - 3 lần so với trồng quýt. Hơn nữa người trồng cũng ít bận tâm về đầu ra, vì ngay khi quả còn xanh đã có tư thương đến đặt bao tiêu.

Ông Vũ Tất Hoàn, thôn Khuổi Cò, xã Dương Phong đánh giá: “Là cây trồng bản địa, có nhiều đặc điểm quý, cam sành Bạch Thông giữ vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế của nhiều nông hộ. Nếu như cây quýt chỉ cho thu hoạch khoảng 1 tháng thì thời gian thu hoạch của cam sành kéo dài vài ba tháng trong điều kiện bảo quản sau thu hoạch tốt”.

Theo đánh giá của các chuyên gia Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, cam sành ở Bạch Thông có những giá trị riêng với đặc điểm nổi bật về màu sắc, hương vị so với nhiều loại cam khác. Vỏ cam bóng, thể hiện lượng tinh dầu cao, mẫu mã đẹp, đặc biệt là cam có thể bảo quản rất lâu sau thu hái. Để nâng cao giá trị của cây cam sành, cấp ngành chức năng cần hỗ trợ người dân về kỹ thuật, chính sách tiến hành cải tạo, thâm canh diện tích cam sành hiện có.

Mục tiêu đến năm 2025, huyện Bạch Thông trồng mới 500ha cam sành và xây dựng 3 mô hình trồng cây cam sành không hạt để phục vụ cho việc nhân rộng, tạo ra sản phẩm có chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường. Hiện nay, huyện Bạch Thông có hơn 400ha cam sành, diện tích cho thu hoạch 229ha, mang lại giá trị kinh tế 40 tỷ đồng/năm.

Chủ tịch UBND xã Quang Thuận, ông Nông Văn Bình cho biết: “Trong định hướng phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp của địa phương, chúng tôi xác định quýt bản địa và cam sành là hai cây trồng chủ lực góp phần tạo thu nhập ổn định cho người dân và giúp xã xây dựng nông thôn mới nâng cao. Để từng bước mở rộng diện tích, chúng tôi sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, mở thêm các lớp tập huấn kỹ thuật, cùng với đó là những chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích người dân trồng cam sành”./.

Xuân Nghiệp

Xem thêm

Video

Đọc báo in