Bí quyết làm ra sợi miến trứ danh
Gia đình chị Lộc Thị Quế, thôn Bản Cào, xã Côn Minh, Bắc Kạn đã gắn bó với nghề tráng miến tráng tay hơn 10 năm. Mỗi dịp gần Tết, gia đình chị lại tất bật sản xuất, để kịp các đơn hàng. Chỉ trong khoảng hơn 01 tháng nay, gia đình chị xuất bán ra thị trường gần 2 tấn miến tráng tay khô. Để làm ra sợi miến ngon, dai, đậm vị đặc trưng của miến, đòi hỏi người làm miến có kinh nghiệm trong việc lựa chọn tinh bột. Theo kinh nghiệm của người làng nghề, tinh bột từ củ dong đỏ được trồng tại địa phương cho chất lượng tốt nhất. Công đoạn làm miến, tráng miến cũng rất quan trọng quyết định một phần chất lượng của sợi miến Côn Minh.
“Mỗi nghề có vất vả riêng và làm miến cũng không ngoại lệ. Gần 4 giờ sáng, trong khi mọi người còn đang ngon giấc, thì người làm miến đã dậy nhóm bếp, đun nước sôi để tráng. Để miến không bị chua, bị sạn, cần lọc kỹ bột; miến ngon phải dùng bột mới hoàn toàn. Về màu sắc, bột có màu vàng nhưng tráng xong miến có màu trong, bóng. Khi tráng bánh phải giữ lửa cháy đều, mở vung ra thấy bánh miến phồng lên là đã chín. Khâu đoạn thái miến và phơi miến cũng đòi hỏi kinh nghiệm của người sản xuất để giúp sợi miến to đều, không bị ỉu, xỉn màu. Côn Minh là vùng đất trên cao, lạnh, chất đất có sự riêng biệt nên củ dong riềng nhiều tinh bột sẽ chế biến được miến dẻo, ngon và dai” - chị Lộc Thị Thuyết chia sẻ bí quyết nghề.
Cách làm miến tráng tay của gia đình chị Thuyết cũng là bí quyết chung của nhiều hộ gia đình trong làng nghề Côn Minh. Tuy nhiên, mỗi gia đình đều có một chút biến tấu riêng trong quy trình lọc bột, tráng và thái miến để tạo ra sản phẩm đặc trưng của mình. Dù có sự khác biệt nhỏ, tất cả sản phẩm miến từ Côn Minh đều giữ được chất lượng và hương vị đặc biệt mà nơi đây nổi tiếng.
Giữ gìn và phát huy thương hiệu “Làng nghề”
Làm miến dong, đặc biệt là miến tráng tay không chỉ là sinh kế mang lại ấm no mà còn trở thành niềm tự hào, là nét văn hóa của người dân xã Côn Minh. Vì thế, người dân Côn Minh từ nhiều năm qua luôn có ý thức truyền nghề, phát huy nghề, nhất là khi được công nhận là làng nghề đầu tiên của cả tỉnh.
Chị Nguyễn Thị Thương, thôn Bản Cào tâm sự: “Những ngày đầu về làm dâu chưa biết hết họ hàng, chưa quen con suối, ngọn đồi trước nhà, gia đình chồng đã truyền dạy cách làm miến dong tráng tay. Bố mẹ chồng bảo, biết nghề làm miến và theo nghề thì chẳng bao giờ lo cuộc sống khó khăn. Tiếp nối truyền thống của gia đình, tôi đang dần truyền kinh nghiệm cho con với mong muốn nghề làm miến dong được gìn giữ và phát triển”.
Ông Lục Văn Bảy, chủ hộ sản xuất miến phấn khởi: “Được công nhận là làng nghề truyền thống những người làm miến như chúng tôi thấy rất vui và tự hào. Miến năm nay được giá hơn năm trước (miến tráng tay bán tại làng có giá 75.000 đồng/kg) một phần cũng vì giá trị thương hiệu “Làng nghề” mang lại. Người trồng dong riềng vui, người làm miến cũng vui, cả xã đều vui”.
Tháng 01/2024, UBND tỉnh công nhận “Làng nghề miến dong Côn Minh” giúp nâng tầm thương hiệu và mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn cho địa phương. Trung bình mỗi vụ toàn xã sản xuất được gần 1.000 tấn miến, thu về khoảng 50 tỷ đồng.
Củ dong, sợi miến dong đã trở thành sản phẩm trứ danh, nức tiếng của vùng đất Na Rì. Mỗi sợi miến đều chứa đựng tâm huyết của người nông dân, là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết nhiều vùng miền. Sản phẩm miến dong ở Na Rỳ đã đạt chứng nhận OCOP, trong đó HTX Tài Hoan tự hào với sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia.
Bí thư Đảng ủy xã Nông Thị Sen chia sẻ: Chúng tôi rất tự hào vì làng nghề đã được công nhận, nhưng cũng ý thức được rằng việc giữ gìn và phát huy thương hiệu làng nghề đòi hỏi sự nỗ lực lớn từ cả cộng đồng. Địa phương sẽ tiếp tục vận động người dân trồng thêm cây dong riềng, mở rộng diện tích nguyên liệu để phát triển nghề miến, đồng thời phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái để thu hút du khách...
Làng nghề miến dong Côn Minh giờ đây không chỉ là niềm tự hào của người dân, mà còn là biểu tượng của sự phát triển bền vững và gìn giữ bản sắc văn hóa của người dân miền núi Việt Bắc./.