Người dân được chi trả kịp thời chính sách hỗ trợ dịch tả lợn châu Phi

BBK - Chính sách hỗ trợ dịch tả lợn châu Phi của Nhà nước không chỉ mang lại sự hỗ trợ tài chính kịp thời mà còn tiếp thêm động lực để người dân vượt qua khó khăn, nhanh chóng tái đàn và ổn định sản xuất. Những câu chuyện thực tế từ các hộ chăn nuôi cho thấy giá trị nhân văn sâu sắc của chính sách này.

my1.jpg
Hộ ông Nông Văn Trường thôn Phiêng Kham, xã Mỹ Thanh (Bạch Thông) đã nhận được tiền hỗ trợ dịch tả lợn châu Phi của Nhà nước để tái đàn.

Những tia hy vọng từ sự hỗ trợ kịp thời

Gia đình ông Nông Văn Trường, thôn Phiêng Kham, xã Mỹ Thanh, huyện Bạch Thông, là một trong những hộ chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch tả lợn châu Phi. Vào tháng 5 năm 2024, 15 con lợn trong đàn của ông bị ốm chết, gây thiệt hại ước tính 50 triệu đồng. Lần đầu tiên trong nhiều năm chăn nuôi, ông phải đối mặt với cảnh mất trắng. Dẫu vậy, ông Trường vẫn kiên quyết không bán tháo mà thông báo ngay với cơ quan thú y để xử lý, tiêu hủy theo đúng quy định.

Đến tháng 11 cùng năm, ông nhận được 18 triệu đồng hỗ trợ từ Nhà nước. Số tiền này đã giúp ông mua 10 con lợn giống mới, mở ra cơ hội tái đàn. Ông chia sẻ trong niềm vui: "Nhờ có sự quan tâm kịp thời của Nhà nước, gia đình tôi mới có vốn để khôi phục sản xuất."

Tương tự, anh Phan Văn Tuân, HTX Trần Phú, xã Trần Phú, huyện Na Rì, cũng chịu tổn thất nặng nề khi phải tiêu hủy toàn bộ 300 con lợn trong đợt cao điểm dịch tả lợn châu Phi. Thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng khiến việc tái đàn trở nên vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, vào tháng 11 năm 2024, gia đình anh được hỗ trợ 180 triệu đồng, nhờ đó có vốn để tái đàn với 90 con lợn giống và cải tạo chuồng trại, từng bước ổn định sản xuất.

my-3.jpg
Đàn lợn của anh Phan Văn Tuân, Giám đốc HTX Trần Phú vừa mua lại cách đây không lâu nhờ một phần từ chính sách hỗ trợ.

Quyết tâm từ cấp tỉnh đến địa phương

Trong năm 2024, dịch tả lợn châu Phi bùng phát tại 102 xã, phường, thị trấn của 8 huyện, thành phố trong tỉnh Bắc Kạn, làm trên 20.000 con lợn chết, tiêu hủy, ảnh hưởng đến hơn 4.000 hộ chăn nuôi, gây thiệt hại gần 30 tỷ đồng. Trước tình hình này, tỉnh đã khẩn trương chỉ đạo các cấp, ngành tiến hành rà soát, thống kê thiệt hại, thẩm định hồ sơ và triển khai hỗ trợ kịp thời.

Chỉ trong vòng 6 tháng, nguồn kinh phí hỗ trợ đã được phân bố và chuyển đến tay người dân. Cụ thể, đợt 1, tỉnh đã cân đối ngân sách và chi gần 26 tỷ đồng cho 3.767 hộ; đợt 2, ngân sách huyện cân đối hỗ trợ 1,7 tỷ đồng cho 342 hộ. Chính sách hỗ trợ này được thực hiện theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ, giúp hàng nghìn hộ dân có cơ hội khôi phục sản xuất sau thiệt hại do dịch bệnh.

Phòng dịch, yếu tố then chốt cho tương lai

Đến nay, dịch tả lợn châu Phi cơ bản đã được kiểm soát, chỉ còn 2 xã có dịch chưa qua 21 ngày là thị trấn Nà Phặc (Ngân Sơn) và xã Cao Thượng (huyện Ba Bể). Để ngăn chặn nguy cơ dịch tái bùng phát, ngành chuyên môn khuyến cáo người dân cần tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin, đặc biệt là vắc xin dịch tả lợn châu Phi, đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng dịch.

my-2.jpg
Song song với việc tái đàn, người chăn nuôi cần thường xuyên vệ sinh chuồng trại, khử trùng tiêu độc để phòng, chống dịch bệnh.

Chính sách hỗ trợ dịch tả lợn châu Phi không chỉ là biện pháp cứu trợ mà còn thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Nhà nước đối với người dân. Nhờ có chính sách này, nhiều hộ chăn nuôi đã vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất./.

Xem thêm

Video

Đọc báo in