Trồng dưa lê hữu cơ áp dụng công nghệ cao, người dân Nguyên Phúc được lợi ích kép

Được trồng theo hướng hữu cơ trong nhà lưới nên sản phẩm dưa lê của nhóm phụ nữ thôn Nà Lốc và Nà Rào, xã Nguyên Phúc (Bạch Thông) được người tiêu dùng ưa chuộng, giá bán cao hơn 30% so với dưa lê trồng theo cách thông thường, mở ra hướng đi mới, triển vọng cho nghề trồng dưa nơi đây.

Những ngày qua, trên địa bàn xã Nguyên Phúc có mưa khiến cho những hộ trồng dưa đứng ngồi không yên. Thế nhưng, nhóm hộ trồng dưa do chị Triệu Thị Vân Anh làm trưởng nhóm vẫn ung dung thu hoạch vì toàn bộ diện tích dưa được trồng trong nhà lưới. Không chỉ giảm bớt những tác động bất lợi từ thời tiết mà nhà lưới còn giúp hạn chế sâu bệnh tấn công cây dưa.

Dưa lê của nhóm phụ nữ thôn Nà Lốc, xã Nguyên Phúc được trồng theo hướng hữu cơ nên bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng.
Dưa lê của nhóm phụ nữ thôn Nà Lốc, xã Nguyên Phúc được trồng theo hướng hữu cơ nên bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng.

Trưởng nhóm Triệu Thị Vân Anh cho biết: Đầu năm nay, với sự giúp đỡ từ Trung tâm Hỗ trợ phát triển vì phụ nữ và trẻ em, 06 hộ dân trong thôn cùng nhau thực hiện dự án sản xuất rau, củ, quả hữu cơ trong nhà lưới công nghệ cao. Quỹ đất 1.200m2  được sử dụng để trồng cây dưa lê siêu ngọt hữu cơ và áp dụng theo phương pháp canh tác không sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học mà thay thế hoàn toàn bằng thuốc tự chế và phân chuồng ủ. Trung tâm Hỗ trợ phát triển vì phụ nữ và trẻ em hỗ trợ 60 triệu đồng để xây dựng khung nhà lưới; nhóm đối ứng 40% kinh phí mua vật tư, thiết bị như: Máy xới đất, hệ thống tưới nước, phun sương. Dù đầu tư ban đầu lớn nhưng mô hình mang lại hiệu quả rõ nét và lâu dài, như: Giúp quản lý cây trồng tốt hơn, tránh tác động của thiên tai và ngăn côn trùng xâm nhập, nông dân giảm chi phí do không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bảo đảm sản phẩm sạch và bảo vệ sức khỏe người trồng lẫn người tiêu dùng…

"Do vụ đầu chưa có nhiều kinh nghiệm khi canh tác hoàn toàn bằng phân hữu cơ và không sử dụng thuốc trừ sâu hóa học nên năng suất dưa lê chưa cao. Nhưng bù lại, chất lượng quả ngọt và thơm hơn, vấn đề an toàn thực phẩm được bảo đảm. Nếu như 1kg dưa lê trồng theo hình thức truyền thống giá bán khoảng 20.000 đồng thì dưa lê trồng nhà lưới theo hướng hữu cơ an toàn bán giá 30.000 đồng/kg. Thu hoạch xong, chúng tôi tiếp tục làm đất trồng tiếp một lứa dứa, sau đó sẽ trồng rau vụ đông. Mọi chuyện thuận lợi, nhóm tính sẽ mở rộng mô hình có nhiều triển vọng này", chị Triệu Thị Vân Anh cho biết thêm.

"Dưa sạch, chất lượng thơm ngon nên dù giá cao hơn 30% so với dưa trồng bình thường nhưng tôi vẫn thấy hợp lý. Dưa ngon lại an toàn nên hơi đắt một chút khách hàng vẫn tìm mua nhiều", chị Dương Thị Hải, tiểu thương chợ Bắc Kạn chia sẻ.

Do trồng muộn hơn nên 1.000m2 dưa lê, dưa hấu trồng theo hướng hữu cơ của nhóm phụ nữ thôn Nà Rào mới chuẩn bị cho thu hoạch. Dù thế, toàn bộ sản phẩm đã có khách hàng đặt trước, chỉ đợi quả chín sẽ thu hái. Chị Hoàng Thị Bé- Trưởng nhóm thực hiện mô hình tại thôn Nà Rào khẳng định: "Dù là vụ đầu canh tác theo hướng hữu cơ hiện đại nhưng đã cho những tín hiệu lạc quan về chất lượng, năng suất, giá bán. Vụ sau nhóm tiếp tục trồng dưa và đưa thêm một số loại rau màu có giá trị khác vào canh tác. Chúng tôi mong muốn được hỗ trợ quảng bá sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, cũng như xây dựng thương hiệu riêng khi đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn theo quy định".

Lãnh đạo xã Nguyên Phúc cho biết: Nguyên Phúc có truyền thống trồng dưa lê từ nhiều năm nay, đây là cây trồng góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho bà con. Những thành công bước đầu từ mô hình trồng dưa theo hướng hữu cơ áp dụng công nghệ tiên tiến của nhóm phụ nữ thôn Nà Lốc, Nà Rào gợi mở hướng đi mới đầy triển vọng. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao luôn đòi hỏi chi phí ban đầu lớn và nắm bắt kỹ thuật tốt. Vì thế, địa phương mong tiếp tục được nhận sự hỗ trợ của cấp, ngành chức năng để nhân rộng mô hình trên, tạo bứt phá trong sản xuất nông nghiệp./.

Xuân Nghiệp

Xem thêm

Video

Đọc báo in