Ruộng dưa hấu của gia đình bà Lê Thị Phương đang vào vụ thu hoạch. |
Xã Kim Hỷ có diện tích đất nông nghiệp ít, chủ yếu là đất rừng đặc dụng, địa hình núi đá, đất đai kém màu mỡ nên trước đây người dân chỉ trồng ngô, lúa. Những năm gần đây, địa phương đã khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, luân canh hoặc thâm canh tăng vụ, lựa chọn các loại cây phù hợp để tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững. Trong đó, cây dưa hấu được nhiều hộ dân trồng và đem lại thu nhập khá, phù hợp với điều kiện canh tác ở địa phương.
Bản Vin là thôn trồng dưa hấu nhiều nhất xã với tổng diện tích hơn 4.500m2. Gia đình bà Lê Thị Phương là một trong những hộ tích cực thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở thôn. Chỉ với gần 1.000m2, nhưng cây dưa hấu đã góp phần tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình. Bà Phương cho biết: “Trước đây, gia đình tôi chủ yếu trồng lúa, ngô, sắn... phục vụ chăn nuôi lợn, gà, nên hiệu quả kinh tế không cao. Sau khi tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm, gia đình tôi đã chuyển sang trồng dưa hấu, thực hiện trồng xen kẽ một vụ lúa và một vụ dưa”.
Nhờ chọn được giống tốt, chăm sóc đúng kỹ thuật, nên quả dưa hấu đỏ tươi, mỏng vỏ và rất ngọt, trung bình từ 3 - 4kg/quả. Ước tính vụ dưa hấu năm nay gia đình bà Phương thu hoạch trên 1 tấn quả. Với giá bán dao động từ 15.000 - 18.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình bà Phương có thêm thu nhập từ 15 - 18 triệu đồng. Như vậy, so với trồng ngô, lúa thì hiệu quả kinh tế từ cây dưa hấu cao gấp 3 - 4 lần.
Theo bà Phương, trồng dưa hấu chi phí đầu tư không nhiều, thời gian trồng và thu hoạch ngắn, chỉ khoảng 3 tháng. Tuy nhiên, cần chú ý chăm sóc cẩn thận từ khâu làm đất, lên luống cao, tránh để cây bị ngập úng. Khi cây dưa hấu phát triển đủ 6 đến 8 lá, phải cắt tỉa bớt ngọn, tập trung chất dinh dưỡng cho thân cây. Ngoài ra cần bón phân đầy đủ, nhất là phân chuồng và phải đảm bảo đủ nước cho đất ẩm thường xuyên. Khi cây đã ra quả thì chú ý kê quả lên cao, lật quả thường xuyên, giúp dưa tránh bị ngập úng và quả chín đều.
Bà Phương cho biết: “Tôi chủ yếu bán lẻ cho người dân địa phương và các chợ đầu mối lân cận ở Na Rì, Ngân Sơn, Bạch Thông và thành phố Bắc Kạn... Do trồng theo phương pháp an toàn, hạn chế tối đa sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật nên được nhiều khách hàng ưa chuộng. Trong những năm tới, nếu tìm được đầu ra ổn định hơn, gia đình tôi sẽ mở rộng diện tích trồng dưa và trồng thêm giống dưa hấu không hạt”.
Theo ông Hoàng Văn Khải, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Hỷ: Xã luôn khuyến khích và hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao thu nhập. Mô hình trồng dưa hấu của một số hộ dân đã mang lại hiệu quả kinh tế khá. Qua đó cho thấy cây dưa hấu phù hợp với chất đất, khí hậu của địa phương, góp phần nâng cao giá trị sản xuất, giúp người dân thoát nghèo./.