Trà hoa vàng Bắc Kạn: Liên kết vùng gắn với sản xuất và chế biến

BBK -  Để duy trì và phát triển thương hiệu trà hoa vàng Bắc Kạn, những năm gần đây các địa phương có thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp đã hình thành vùng sản xuất trà hoa vàng ổn định, lâu dài. Định hướng chung là phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị giữa người trồng chè và doanh nghiệp, HTX tiêu thụ.
Ngài Hynek Kmonicek, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Séc tại Việt Nam cùng đoàn công tác đến thăm Công ty TNHH Hà Diệp, chuyên sản xuất và chế biến trà hoa vàng.

Ngài Hynek Kmonicek, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Séc tại Việt Nam cùng đoàn công tác đến thăm Công ty TNHH Hà Diệp, chuyên sản xuất và chế biến trà hoa vàng.

Một trong những địa phương phát hiện và sớm đưa cây trà hoa vàng vào khai thác là huyện Chợ Đồn. Ông Đặng Đình Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Diện tích cây chè hoa vàng trên địa bàn huyện Chợ Đồn hiện có khoảng 9,8ha. Tuy nhiên chỉ trồng nhỏ lẻ, rải rác từ 100 - 3.000 cây; chủ yếu cây mọc tự nhiên, xen với cây trồng khác, chưa có sự đầu tư, thâm canh, chăm sóc, cắt tỉa… nên năng suất chưa cao. Sản phẩm chủ yếu bán hoa tươi cho các tư thương, chưa tận dụng được nguồn lá có sẵn để chế biến chè khô dạng túi lọc, chè mat-cha…

Với giá trị dược liệu cao, chè hoa vàng ngày càng được giới y học quan tâm nghiên cứu và đưa vào ứng dụng. Tại huyện Chợ Đồn, cây chè hoa vàng phân bố ở các xã phía Nam như Bình Trung, Nghĩa Tá, Lương Bằng, Yên Phong, Yên Mỹ; phía Đông như Đồng Thắng, Phương Viên... Sản phẩm Chè hoa vàng của Hợp tác xã Hòa Thịnh (Nghĩa Tá) đã được công nhận là sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao.

Những năm gần đây, thấy được hiệu quả từ khai thác chè hoa vàng, người dân đã trồng tự phát loại cây này với diện tích trồng nhỏ lẻ, manh mún; chưa áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; mật độ trồng, bón phân, cắt tỉa và chăm sóc… chưa hợp lý. Một số địa phương đã trồng chè hoa vàng như xã Bình Trung, Đồng Thắng, tuy nhiên chưa xây dựng được chuỗi giá trị cho sản phẩm, mà chủ yếu bán hoa tươi cho các tư thương; giá bán không ổn định (dao động từ 400.000 - 600.000 đồng/kg nụ hoa tươi).

Xuất phát từ thực trạng nêu trên, UBND huyện Chợ Đồn xây dựng Phương án hỗ trợ phát triển cây chè hoa vàng giai đoạn 2023 - 2026 nhằm hỗ trợ người dân mở rộng diện tích chè hoa vàng thành vùng tập trung; nâng giá trị chè hoa vàng thành sản phẩm hàng hóa có giá trị cao. Trồng mới 30ha chè hoa vàng tại các xã Bình Trung, Nghĩa Tá, Đồng Thắng, thời gian thực hiện 04 năm, từ năm 2023-2026. Khuyến khích bà con trồng mới và nhân rộng diện tích, áp dụng kỹ thuật thâm canh để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

Định mức hỗ trợ gồm 50% chi phí cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; hỗ trợ 50% xây dựng một chuỗi liên kết (thành lập mới hoặc liên kết hợp tác xã về bao tiêu sản phẩm chè hoa vàng). Hỗ trợ kinh phí tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng, thâm canh chè hoa vàng cho các hộ thực hiện phương án. Hỗ trợ tổng kết và công tác quản lý, chỉ đạo phương án theo quy định.

Sản phẩm trà hoa vàng sau khi sấy khô có giá trên 1.000.000 đồng/kg.

Sản phẩm trà hoa vàng sau khi sấy khô có giá trên 1.000.000 đồng/kg.

Một trong những yếu tố quan trọng để phát triển cây chè hoa vàng là đầu ra. Tại tỉnh Bắc Kạn có một số HTX, doanh nghiệp đã chế biến sản phẩm trà hoa vàng và xuất bán ra thị trường. Tại thành phố Bắc Kạn, Công ty TNHH Hà Diệp đã đầu tư khoảng 5 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, mua máy sấy hiện đại sản xuất trà hoa vàng, xây dựng mẫu mã, bao bì đáp ứng nhu cầu thị trường. Chị Hà Minh Đợi, Giám đốc công ty chia sẻ: Trong bông trà hoa vàng có nhiều chất quý với sức khỏe. Sản phẩm trà hoa vàng của Công ty đã có mặt trên thị trường trong nước, việc tiêu thụ thuận lợi nên mang lại lợi nhuận khá. Giá bông trà tươi Công ty thu mua khoảng 600.000 đồng/kg.

Có thể thấy, từ giá trị của cây chè hoa vàng, các HTX, doanh nghiệp đã tổ chức thu mua và chế biến. Đây chính là sự liên kết bền vững giữa "bốn nhà" để dần đưa thương hiệu trà hoa vàng Bắc Kạn lên tầm cao mới./.

Xem thêm

Video

Đọc báo in