Chương trình OCOP đã khơi dậy tinh thần chủ động, sáng tạo của các chủ thể OCOP, các hộ nông dân, các hợp tác xã, doanh nghiệp, khích lệ họ tích cực tham gia sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa. Từ đó các sản phẩm OCOP của thành phố đã và đang khẳng định được vị trí trên thị trường trong và ngoài tỉnh.
Hiện nay thành phố Bắc Kạn có 39 sản phẩm OCOP đạt từ 3 – 4 sao. Tiêu biểu như: Lạp sườn Tám Cương, trà hoa vàng Bắc Kạn của Công ty TNHH Hà Diệp, bánh gio Bắc Kạn, thực phẩm bảo vệ sức khỏe Vicumax nano Curcumin, rượu men lá ATK, tinh bột nghệ nếp đỏ, đen cao cấp của HTX Tân Thành, viên tinh nghệ mật ong, nấm của HTX Minh Anh…
Các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất đang ngày càng thay đổi tích cực về tư duy phát triển kinh tế theo hướng bám sát nhu cầu thị trường, chú trọng yếu tố chất lượng, tiêu chuẩn, quy chuẩn, sở hữu trí tuệ, an toàn thực phẩm, mẫu mã bao bì...
Bà Nguyễn Thị Lê, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần công nghệ dược liệu Bắc Hà cho biết: “Đến nay công ty của chúng tôi có 08 sản phẩm đạt 3 đến 4 sao như: Trà thảo dược giảo cổ lam núi, thực phẩm thạch Collagen Jelly Care, thực phẩm bảo vệ sức khỏe Bka Cumin Xương Khớp... Để được xếp hạng OCOP, sản phẩm phải trải qua các vòng bình chọn rất khắt khe với những tiêu chí nghiêm ngặt. Tuy nhiên, khi được công nhận đạt chuẩn OCOP sản phẩm sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi trong sản xuất, tiêu thụ. Công ty rất coi trọng chương trình này, xem đây là dịp để gia tăng vị thế sản phẩm ở thị trường trong nước và quốc tế”.
Theo kế hoạch năm 2024, thành phố Bắc Kạn dự kiến phát triển thêm 03 sản phẩm OCOP mới, nhưng đến thời điểm này các chủ thể đã đăng ký 10 sản phẩm OCOP để tham gia bình chọn. Hiện thành phố đang tập trung đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất gắn với đẩy mạnh phát triển các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ du lịch có tiềm năng, thế mạnh. Đây là giải pháp nền tảng thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân. Do vậy, thành phố coi Chương trình OCOP là điểm tựa để các sản phẩm thế mạnh có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá về vị trí, vai trò của Chương trình OCOP, giúp các tổ chức, cá nhân hiểu rõ chương trình này nhằm phát triển sản phẩm, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị. Đồng thời triển khai, tuyên truyền các chính sách của Nhà nước để tổ chức, cá nhân tiếp cận với vốn vay ngân hàng, các chương trình, mô hình, dự án… Tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, trong đó tăng cường hướng dẫn hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cấp nhà xưởng, máy móc thiết bị sản xuất, thiết kế nhãn mác, bao bì sản phẩm, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, công bố tiêu chuẩn, chất lượng, mã số mã vạch, dán tem truy xuất nguồn gốc... đảm bảo quy định. Nâng cao năng lực thành viên các tổ chức, cá nhân tham gia Chương trình thông qua việc đào tạo chuyên sâu về kiến thức quản trị kinh doanh, quản lý sản xuất. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để sản phẩm OCOP trở thành thương hiệu, hình ảnh và niềm tin của người tiêu dùng trong nước và quốc tế./.