Sau 10 năm thành lập và phát triển, đến nay, HTX Tú Hương ở thôn Tham Không, xã Quang Phong (Na Rì) đã gặt hái được nhiều thành công, mức thu nhập 80 - 100 triệu đồng/tháng. Trong đó, thu nhập của thành viên, người lao động chính thức đạt 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.
Anh Lại Văn Tú, Giám đốc HTX Tú Hương, cho biết: Năm 2014, sau khi khảo sát, tính toán kỹ lưỡng, anh và gia đình quyết định đầu tư hơn 230 triệu đồng để mở xưởng sản xuất và dạy nghề mộc dân dụng. Lúc mới đi vào sản xuất, anh nhắm vào các đối tượng khách hàng là các công trình dân sinh, nhà ở, chuyên sản xuất và hoàn thiện trần nhà sàn, ván sàn, khuôn, cửa, giường tủ, bàn ghế. Nhờ uy tín và chất lượng, nên anh trở thành đơn vị tin cậy của người dân trong và ngoài xã.
Vừa sản xuất sản phẩm, anh vừa tạo điều kiện cho học viên học nghề và làm việc để có thêm thu nhập. Học viên đang học việc ở HTX hiện đang có mức thu nhập 3,5 triệu đồng/người/tháng. Sau khi học xong, học viên có thể được giữ lại làm việc hoặc sẽ hỗ trợ để mở xưởng riêng. Sự hiệu quả trong sản xuất và đào tạo nghề, năm 2017, anh thành lập HTX và nhận được nhiều chính sách hỗ trợ để mở rộng sản xuất và kết nối, ký hợp đồng với nhiều doanh nghiệp trong và ngoài huyện.
Anh Lại Văn Tú, Giám đốc HTX Tú Hương chia sẻ: "Thấy thanh niên địa phương không có việc làm, phải đi làm việc ở các công ty liên doanh, khu công nghiệp nên tôi mở xưởng để thu hút các thanh niên vào cùng làm. Hơn nữa, trước kia gỗ rừng trồng của người dân bán cho thương lái dưới xuôi với giá rất rẻ. Do vậy tôi tận dụng nguồn gỗ rừng trồng từ các dự án, thu mua và chế biến để tăng thu nhập và nâng cao giá trị gỗ cho người dân địa phương".
Cũng là người tiên phong trong phát triển kinh tế ở địa phương, anh Đặng Hành Dũng ở thôn Phiêng Phàng, xã Yến Dương (Ba Bể) không chỉ tìm ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho bản thân, mà còn giúp cuộc sống của nhiều thanh niên khác thay đổi. Anh Dũng cho hay: "Thời gian đầu mới nuôi cá tầm, cá hồi vì chưa có nhiều kinh nghiệm trong chăm sóc nên cá còi cọc, có thời điểm còn bị chết hàng loạt. Không khuất phục trước khó khăn, thách thức, anh tiếp tục mua con giống về nuôi. Cùng với đó, đi tham quan, học tập kinh nghiệm từ các mô hình trong và ngoài tỉnh, sau đó áp dụng vào chăn nuôi mô hình của mình, nhờ vậy mà đàn cá của anh ngày càng phát triển khỏe mạnh, cho năng suất, sản lượng cao".
Hiện, gia đình anh có hơn 30 bể cá, trung bình mỗi năm xuất ra thị trường khoảng hơn 20 tấn cá. Năm 2023, mô hình mang lại doanh thu hơn 02 tỷ đồng, lợi nhuận đạt khoảng 01 tỷ đồng. Mô hình đã tạo việc làm thường xuyên cho 04 lao động địa phương với mức thu nhập 5 - 6 triệu đồng/tháng.
Nhận thấy nhiều người có mong muốn phát triển mô hình giống mình, anh đã vận động và cùng với 07 bạn trẻ khác thành lập HTX nuôi cá hồi, cá tầm với quy mô khoảng 5.000m2, gần 50 bể nuôi và được tín nhiệm bầu giữ chức vụ Giám đốc HTX.
Anh Triệu Tiến Vượng (SN 1999) là thành viên HTX Cá hồi Cá tầm Pù Lầu tâm sự: "Gia đình tôi là hộ nghèo lâu năm của bản, khi được anh Dũng và Đoàn thanh niên xã giúp đỡ, tôi đã mạnh dạn đầu tư xây bể và lấy cá giống về nuôi. Đến nay, mô hình nuôi cá của tôi đã được xuất bán, có nhiều tiểu thương vào mua tận nơi, gia đình không những thoát nghèo mà còn có thu nhập ngày càng ổn định, khấm khá hơn trước đây rất nhiều".
Cùng được tận hưởng niềm vui như anh Vượng, đoàn viên anh Đặng Khải Cường- thành viên HTX Cá hồi Cá tầm Pù Lầu sau khi mạnh dạn đầu tư 800 triệu đồng để mua 1.000m2 đất, đầu tư xây bể nuôi cá hồi, đến nay trại cá của anh Cường có 10 bể và đang tiếp tục hoàn thiện thêm 03 bể nữa. Từ mô hình này đã giúp gia đình anh có thu nhập khá và vươn lên làm giàu chính đáng.
Ông Hoàng Văn Duẩn, Phó Chủ tịch UBND xã Yến Dương cho biết: "Anh Dũng không những là người tiên phong trong phong trào phát triển kinh tế địa phương, mà còn giúp nhiều hộ dân khác thoát nghèo nhờ mô hình nuôi cá tầm, cá hồi. Sắp tới, mô hình này sẽ tiếp tục được nhân rộng và nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của địa phương".
Tỉnh Bắc Kạn hiện có 76 HTX, 45 tổ hợp tác và hơn 500 mô hình phát triển kinh tế do thanh niên làm chủ, sản xuất hiệu quả, góp phần xây dựng, phát triển hơn 40 sản phẩm OCOP... Có thể thấy, thời gian qua, các mô hình kinh tế do thanh niên đứng chủ đã giúp người dân, đoàn viên thanh niên có việc làm, tăng thu nhập và vươn lên thoát nghèo, cùng địa phương ngày càng phát triển mạnh mẽ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới tại địa phương…/.