Sản xuất miến dong ở Bắc Kạn cần đồng nhất về chất lượng

Sản phẩm miến dong Bắc Kạn vừa được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Đây là cơ hội để miến dong Bắc Kạn phát huy giá trị thương hiệu, mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho tỉnh. Tuy nhiên, việc sản xuất, chế biến, tiêu thụ miến dong tại tỉnh ta còn nhiều hạn chế cần khắc phục.

Là địa phương có truyền thống sản xuất miến dong nhưng đến nay Ba Bể chỉ còn khoảng gần 10 cơ sở sản xuất miến. Hoạt động quy mô nhất là Cơ sở sản xuất miến dong Nhất Thiện với hạ tầng đầu tư bài bản, từ nghiền củ cho tới chế biến miến đều cơ giới hóa. Sản lượng hằng năm của cơ sở này đạt khoảng 800 - 1.000 tấn miến khô. Cơ sở sản xuất miến Triệu Thị Tá chủ yếu sản xuất thủ công nên công suất chưa tới 100 tấn miến/năm, tỉnh đang đề ra mục tiêu hỗ trợ để cơ sở này đạt 250 tấn vào năm 2025. Ngoài ra, các cơ sở còn lại đều sản xuất thủ công nhỏ lẻ, rất khó phát triển. Không những thế, chỉ tiêu trồng dong riềng của huyện cứ tụt dần, từ hàng nghìn héc-ta trước đây thì nay chỉ còn khoảng hơn 100ha/năm. Do vậy, để duy trì sản xuất Cơ sở sản xuất miến dong Nhất Thiện đã phải thu mua bột dong từ tỉnh Cao Bằng.

Sản xuất miến tại HTX Tài Hoan (Côn Minh, Na Rì).
Sản xuất miến tại HTX Tài Hoan (Côn Minh, Na Rì).

Tại xã Côn Minh (Na Rì), "thủ phủ" của ngành sản xuất miến dong của tỉnh, còn khoảng 15 cơ sở sản xuất miến. Nhãn hàng có uy tín nhất hiện nay là miến dong Tài Hoan, sản phẩm đạt OCOP 5 sao đã xuất khẩu vào thị trường EU… Với sự hỗ trợ của tỉnh, HTX Tài Hoan đã mở rộng nhà xưởng, nâng cấp máy móc sản xuất ổn định, sản lượng đạt khoảng 200 tấn/năm. Tiếp đến là miến dong Huấn Liên với mức sản xuất và tiêu thụ ổn định hơn 100 tấn/năm. Ngoài ra, hàng chục cơ sở sản xuất quy mô nhỏ lẻ, sản lượng thấp nên khó duy trì hoạt động…

Miến dong Bắc Kạn đã được công nhận nhãn hiệu tập thể từ năm 2012. Toàn tỉnh hiện có hơn 20 cơ sở sản xuất, chế biến miến dong. Tuy nhiên, thực tế cho thấy với rất nhiều cơ sở sản xuất nhỏ, mỗi cơ sở là một nhãn hàng và chất lượng khác nhau. Đây là vấn đề đặt ra cho việc duy trì và phát triển hiệu quả bảo hộ chỉ dẫn địa lý cũng như nhãn hiệu tập thể miến dong Bắc Kạn.

Anh Huấn- Phụ trách kỹ thuật của HTX Tài Hoan cho biết: Cơ sở sản xuất nhỏ, hạn chế về tài chính, máy móc thì rất khó sản xuất được sản phẩm chất lượng. Nếu nghiền củ dong thì phải nhanh chóng bán bột để trả tiền cho bà con. Nếu sản xuất miến thì tráng được tấn miến lại phải quay vòng vốn, chờ bán xong mới mua bột làm tiếp, khi đó nồi, xoong, bể, phên… khó vệ sinh được sạch sẽ, dẫn tới miến bị sạn, chất lượng kém. Do vậy, sản phẩm từ cơ sở sản xuất nhỏ có nguy cơ ảnh hưởng tới thương hiệu miến dong Bắc Kạn.

Lo lắng trước tình trạng sản xuất miến dong theo kiểu "mạnh ai nấy làm", chất lượng không đồng nhất như hiện nay, ông Dương Văn Huấn- Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Khu vực xã Côn Minh cần có cụm công nghiệp để từ đó phân công sản xuất, chế biến, các cơ sở sản xuất bột dong thì bán cho các cơ sở sản xuất miến. Cùng với đó, phải có tổ giám sát, kiểm tra chất lượng sản phẩm, đảm bảo yêu cầu mới xuất bán với chất lượng tương đồng nhằm giữ gìn thương hiệu. Ngoài ra, khi có cụm công nghiệp sẽ kiểm soát được tình trạng ô nhiễm môi trường, đảm bảo hoạt động sản xuất, chế biến ổn định, bền vững…

Hiện nay, các nhãn hàng miến dong nổi tiếng như Huấn Liên, Tài Hoan, Nhất Thiện… đang tích cực đẩy mạnh sản xuất để chuẩn bị phục vụ Tết Nguyên đán năm 2022. Trong khi đó, các cơ sở nhỏ vẫn sản xuất kiểu "ăn đong" bấp bênh, kém hiệu quả. Những bất cập trên rất cần các cấp, ngành chức năng có giải pháp căn cơ để khắc phục nhằm bảo vệ và phát huy giá trị thương hiệu miến dong Bắc Kạn, thúc đẩy sản phẩm miến dong trở thành mặt hàng chủ lực xuất khẩu của địa phương./.

P - Q

Xem thêm

Video

Đọc báo in