Sẵn sàng tham gia vào thị trường kinh doanh tín chỉ carbon

BBK -  Bắc Kạn được ví như “lá phổi xanh” của cả nước với tỷ lệ che phủ rừng hơn 73%, cao nhất cả nước. Đây là lợi thế rất lớn để tỉnh tính toán, có chiến lược tham gia vào thị trường kinh doanh tín chỉ carbon trong tương lai.
Tỉnh Bắc Kạn đang khuyến khích người dân trồng rừng gỗ lớn.Tỉnh Bắc Kạn đang khuyến khích người dân trồng rừng gỗ lớn.

Tiềm năng lớn

Tỉnh Bắc Kạn có trên 417.000ha diện tích đất lâm nghiệp và hệ thống thảm thực vật dày, phân tầng, có thể hấp thụ lớn lượng khí C02 (carbon dioxide, loại khí gây hiệu ứng nhà kính). Với lợi thế đó, tỉnh có rất nhiều thuận lợi để kinh doanh các sản phẩm từ gỗ, dịch vụ môi trường, trong đó có kinh doanh carbon rừng, đây được xem là mặt hàng “tỷ đô” cho tỉnh nếu lộ trình kinh doanh carbon trong tương lai được hiện thực hóa.

Tín chỉ carbon rừng được hiểu là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một tấn khí carbon dioxide (C02) hoặc một tấn khí C02 tương đương. Việc mua bán phát thải khí C02 hay mua bán carbon trên thị trường được thực hiện thông qua tín chỉ. Thông qua hình thức này, góp phần mục tiêu hạn chế mất rừng, suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, tạo thêm sinh kế, xóa đói, giảm nghèo cho các hộ dân phụ thuộc vào rừng.

Tuy nhiên, hiện nay việc kinh doanh tín chỉ carbon vẫn chưa có khung pháp lý cụ thể, chính vì rào cản đó mà nhiều doanh nghiệp muốn mua tín chỉ carbon nhưng lại không thể. Tại Việt Nam, có một số tỉnh đã tính toán, xây dựng lộ trình kinh doanh tín chỉ carbon, cụ thể như tỉnh Quảng Nam là địa phương đầu tiên xây dựng Đề án trình Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương nghiên cứu, lập đề án thí điểm kinh doanh carbon rừng. Nếu việc thí điểm đó được triển khai chắc chắn sẽ mở ra cơ hội cho nhiều tỉnh có tỷ lệ che phủ rừng lớn, trong đó có tỉnh Bắc Kạn vào cuộc.

Trên cơ sở Nghị định 06/2022/NĐ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết việc giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng Ozon và phát triển thị trường carbon, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng Đề án “Phát triển thị trường carbon tại Việt Nam”, theo đó năm 2025 Việt Nam sẽ bắt đầu thí điểm và đến năm 2028 sẽ vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ carbon. Những tín hiệu, lộ trình đề ra hy vọng sớm được cụ thể hóa, tạo điều kiện cho tỉnh nghèo như Bắc Kạn có thêm nguồn thu, xứng tầm với tiềm năng, thế mạnh.

Tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, đe dọa sự tồn vong của nhiều quốc gia. Ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên phải trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển. Là tiêu chuẩn cao nhất của mọi cấp, mọi ngành, doanh nghiệp và người dân”.

Giữ rừng để sẵn sàng nhập cuộc thị trường tín chỉ carbon

Đời sống bà con trong tỉnh, đặc biệt các hộ sinh sống gần khu vực rừng thu nhập vào rừng còn hạn chế, tình trạng phát phá rừng trái phép còn xảy ra. Hiện nay, tỉnh đã và đang vận dụng các chính sách của Trung ương hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư giao khoán trông coi, quản lý, bảo vệ rừng theo quy định nhằm giảm thiểu tác động lên rừng. Các mức khoán hỗ trợ thực tế hiện còn thấp so với thu nhập của người dân.

Cán bộ kiểm lâm cùng cộng đồng dân cư đi tuần rừng tại Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Nam Xuân Lạc (Chợ Đồn).Cán bộ kiểm lâm cùng cộng đồng dân cư đi tuần rừng tại Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Nam Xuân Lạc (Chợ Đồn).

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV tổ chức vào tháng 11/2023, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn đã có những kiến nghị về việc nghiên cứu, nâng mức hỗ trợ khoán bảo vệ rừng phù hợp với thực tiễn và điều kiện ngân sách, phát triển đa dạng hệ sinh thái rừng, tạo việc làm sinh kế dưới tán rừng. Cùng với đó, đại biểu còn đề nghị Chính phủ sớm cụ thể hóa Chỉ thị số 13-CT/TW và Kết luận số 61-KL/TW của Ban Bí thư nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, tập trung các chính sách giao khoán bảo vệ rừng, phát triển cây dược liệu dưới tán rừng, phát triển thị trường tín chỉ carbon… để người dân thêm gắn bó hơn với công tác bảo vệ rừng.

Tỉnh cũng đẩy mạnh công tác trồng rừng mới, giao đất, giao rừng, năm 2023, toàn tỉnh trồng mới được 5.203ha, đạt 129% kế hoạch. Phấn đấu đến năm 2030 sẽ giao khoán, bảo vệ 150.000ha rừng tự nhiên sản xuất, đây được xem như giải pháp quan trọng để làm cơ sở xác định chủ quản lý rừng tự nhiên trước khi bước vào thị trường kinh doanh tín chỉ carbon.

Nhu cầu thương mại carbon rừng tại Việt Nam là khá lớn. Để thúc đẩy thị trường carbon rừng trên phạm vi trong nước và quốc tế, tỉnh Bắc Kạn mong Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương sớm tận dụng cơ hội này để tạo ra các giá trị bền vững từ rừng, góp phần tăng trưởng xanh, chống biến đổi khí hậu, đưa mức phát thải ròng về 0 (Net zero) theo mục tiêu toàn cầu đề ra./.

Thu Trang

Xem thêm

Video

Đọc báo in