“Rung reng hoa mận đầu sàn”

BBK - Dịu dàng, trong trẻo, nhẹ nhàng như sương mai buổi sớm là những cảm xúc đầu tiên khi chạm vào “Rung reng hoa mận đầu sàn”- tập thơ mới ra mắt của tác giả Sương Thu, hội viên Hội VHNT các DTTS Việt Nam, hội viên Hội VHNT Bắc Kạn.

z5505492963258_db2c940d2431b0c7d52a671ae30546e7.jpg

“Em chạm vào mùa bằng bông lúa xanh thơm mùi con gái

Nụ cười như hoa nở trên môi thiếu nữ Dao Tiền

Lung linh ngọn núi hoa mận trắng

Điểm lên sắc áo chàm buổi chợ phiên”

(Rung reng hoa mận đầu sàn)

suongthu.jpg

Tác giả Sương Thu tên thật là Hà Sương Thu, hiện đang là giáo viên tại Trường PTDT Nội trú Pác Nặm. Sương Thu là cô gái người dân tộc Nùng, sinh ra và lớn lên ở xã Thượng Giáo, huyện Ba Bể. Với tâm hồn nhạy cảm và tinh tế, tác giả Sương Thu để lại ấn tượng với người yêu thơ qua những tác phẩm mềm mại mang đậm màu sắc văn hóa truyền thống.

“Rung reng hoa mận đầu sàn” là tập thơ thứ hai tác giả Sương Thu gửi đến bạn đọc. Cuốn sách như một lời chia sẻ, tâm tình của những cô gái vùng cao trong trẻo, ngân nga và âm vang như “hoa mận đầu sàn”.

Sau “Từ ngực núi Hoa” tập thơ thứ hai này được tác giả Sương Thu nâng niu, trân quý gửi tới bạn đọc 30 bài thơ. Mỗi bài thơ đều dịu dàng kể cho bạn đọc những câu chuyện riêng, chân phương mà tha thiết.

“Ta tựa vào núi, núi dựa vào mây

Qua thẳm xanh để thấy mình như đứa trẻ

Nước đầu nguồn chảy qua lòng mẹ

Khoan khoái mạch nguồn, rung cảm như buổi đầu

biết mến thương”

(Với núi)

Với “Rung reng hoa mận đầu sàn”, tác giả Sương Thu tiếp tục viết về nỗi lòng của phụ nữ vùng cao. Đó là những cô gái thơ ngây, lần đầu biết thương một chàng trai lạ:

“Em ngượng ngùng trên nương tay gỡ chỉ thêu khăn

Cuộn chỉ cứ nhảy nhót trong lòng nối vòng tròn tím đỏ

Những váy áo sắc màu rực rỡ

Chưa đến mùa đông em đã biết nhớ ai?”

(Đừng đến…)

Nếu như “Từ ngực núi Hoa” là nỗi lòng, cảm nhận, rung động của người con gái dân tộc Tày; thì ở tập thơ mới này, bạn đọc sẽ đến với những cung bậc cảm xúc, đan xen các sắc màu văn hoá của thiếu nữ Thái, Mông, Dao Tiền… Người phụ nữ ở đây không chỉ là cô gái thơ ngây, mới biết yêu mà còn cả người bà, người mẹ, họ nặng trĩu trên vai biết bao lo toan, lặng lẽ, nhỏ bé gieo nên sức sống và hy vọng giữa đất trời:

“Mẹ còn bận trỉa bắp trên nương

Từng đọt măng khắp rừng tím thẫm

Con vắt to tròn lăn kềnh sau bụi cỏ

Cán cuốc, đường cày mẹ vẽ thành hoa”

(Lời ru noọng nòn)

Cùng với sự đồng cảm, sẻ chia về người phụ nữ, tác giả Sương Thu còn có những vần thơ đa dạng, thể hiện tình yêu quê hương đất nước qua góc nhìn của thế hệ trẻ hôm nay:

“Em gái nhỏ hát giữa đại ngàn bài ca người ra trận

Anh ở đâu? đường hành quân đánh giặc

Hay đỉnh Trường Sơn Đông nắng Tây mưa?

Dọc chiến hào hàng triệu trai tráng

Những lá thư rơi rụng dọc đường”

(Hoa màu xanh nở giữa thung xanh)

Hay:

“Ông nằm ở chiến trường, bà kể chuyện con nghe

Thành ánh trăng sáng soi đường Việt Bắc

Khi đất nước mình hết giặc

Tiếng ru trên nương, con muỗm lại bay về”

(Lời ru noọng nòn)

Giọng thơ của tác giả Sương Thu vẫn vậy, dịu dàng và ngọt ngào. Lời thơ ngân nga, da diết như một khúc nhạc trong xanh của núi rừng. Bằng sự liên tưởng và những hình ảnh mang đậm màu sắc vùng cao, tác giả Sương Thu đã có những câu thơ rất đặc biệt: “Ngọn núi xanh như cái nhìn của người con gái”; “Chàng trai Dao phăm phăm dáng hình vỡ núi” hay:

“Anh đỏ mắt dốc rượu hệt như trăm năm chỉ uống một lần

Mừng em lấy được chồng

Mừng em ngày hạnh phúc

Trăm ly chúc tụng, nói cười”

(Cây đàn đá)

Đọc “Rung reng hoa mận đầu sàn”, độc giả sẽ có dịp biết đến tiếng tính, lời then, áo chàm của đồng bào dân tộc Tày; váy xoè, hàng rào đá của người dân tộc Mông; đồng bạc trắng, tiếng hát Páo dung của cô gái Dao Tiền và cả mái tóc “Tằng cẩu”, áo cóm của phụ nữ dân tộc Thái…

Chia sẻ về tập thơ mới, tác giả Sương Thu gửi gắm: "Vẫn là đề tài vùng cao nhưng lần này tôi đã mở rộng ra đa sắc màu văn hoá. Tôi không chỉ viết về văn hoá tộc mình mà còn chia sẻ, đồng cảm với văn hoá của các dân tộc thiểu số khác. Mong rằng, khi đọc “Rung reng hoa mận đầu sàn” bạn đọc sẽ phần nào cảm nhận được niềm tự hào dân tộc và mong muốn phát huy, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc các dân tộc thiểu số Việt Nam".

Xem thêm

Video

Đọc báo in