“Sắc chàm III” mang đến những tác phẩm mới nhất của 07 họa sĩ, gồm: Giang Nam, Mạnh Sáng, Trần Ngọc Kiên, Lý Dược, Hà Nguyên Tố, Trần Hằng, Lường Văn Học. Đó là những tác phẩm khắc họa nét đẹp của văn hóa, bản sắc và con người vùng cao thông qua ngôn ngữ tạo hình như đường nét, hình khối, màu sắc… với các chất liệu như: Khắc gỗ, sơn dầu, sơn khắc, acrylic, lụa...
Phát biểu tại buổi lễ khai mạc triển lãm, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam khẳng định: “Sắc chàm là những giá trị truyền thống, cái nhìn hôm nay với dân tộc mình. Sắc chàm đẹp đẽ và nguyên vẹn, đó là nét của thượng ngàn, hưởng lộc của thượng ngàn. Trong nét chung có sự bảo tồn riêng từ “Sắc chàm”. Triển lãm này cho thấy truyền thống không mất, giá trị không mất nhưng có biến đổi của nét đẹp đương đại Việt Bắc hôm nay”.
Với “Sắc chàm III”, mỗi họa sĩ mang trong mình một phong cách thể hiện về cảnh quan thiên nhiên của một miền quê với những hình ảnh của làn điệu Then dân tộc Tày, hình ảnh thêu thổ cẩm của đồng bào Dao cùng hàng loạt các sinh hoạt văn hóa truyền thống, phong cảnh hữu tình nơi các họa sĩ sinh ra và lớn lên trong cái nôi thắm đượm tình yêu quê hương, yêu con người dân tộc thiểu số.
Những đề tài được các họa sĩ cảm nhận bằng sự đam mê dưới nhiều góc độ khác nhau và lột tả rất tài tình những bút pháp, thủ pháp riêng của mình. Nếu họa sĩ Mạnh Sáng say mê và tinh tế, điêu luyện và cảm xúc trong những sắc màu thổ cẩm, tinh hoa với những nét văn hóa của dân tộc Dao, thì họa sĩ Trần Ngọc Kiên lại kiên định với những nét vẽ về vẻ đẹp đời thường quen thuộc nhưng được thể hiện bằng những gam màu tươi mới. Còn họa sĩ Giang Nam lại chọn kể một câu chuyện trữ tình, gợi cảm, nhiều biến hóa với nét vẽ hình khối nhưng vẫn đầy bản sắc và ý nghĩa.
Nhiều họa sĩ khác cũng bộc lộ được thế mạnh của mình để đưa đến công chúng nét độc đáo và đa dạng trong triển lãm này, điển hình như họa sĩ Lý Văn Dược khi thổi vào những tác phẩm của mình sắc màu tươi sáng ấm áp, vừa mang màu sắc đương đại lại vừa nhuốm chất dân gian… Cách thể hiện của các họa sĩ đều đi gần nhất đến trái tim người xem với vẻ đẹp đơn sơ, bình dị từ những phát hiện mới mẻ trong cuộc sống hằng ngày.
Với họa sĩ trẻ Lường Văn Học lại luôn biết cách tạo cho những tác phẩm của mình một mảng màu huyền ảo, mơ hồ, khiến cho người thưởng thức tranh phải dừng chân lại hồi lâu để chiêm ngưỡng, ngấm cái đẹp của hiện thực nhưng pha chút mờ ảo trong tranh của anh. Còn họa sĩ Hà Nguyên Tố thì tạo nên sự lay động trong những bức tranh phong cảnh quê hương bằng những nét chấm phá của sắc màu. Ngược lại, nữ họa sĩ Trần Hằng lại thể hiện vẻ đẹp người phụ nữ dân tộc thiểu số bằng nét vẽ nhẹ nhàng, tinh tế, để từ đó như khắc họa được tính cách, phận đời của những người phụ nữ dân tộc vùng cao.
Một điểm đặc biệt nữa tạo nên dấu ấn của “Sắc chàm III”, đó là các tác giả đều được sinh ra, lớn lên ở địa bàn vùng cao, được gắn bó với cuộc sống, không gian văn hóa miền núi. Vì thế, tác phẩm của họ chứa đựng được những yếu tố rất riêng, hấp dẫn người xem ở sự đa dạng về chủ đề tiếp cận, cách tiếp cận, các chi tiết sống động trong những góc độ cần lột tả và màu sắc của tác phẩm cũng phong phú, hài hòa hơn khi thể hiện phối cảnh không gian lớn...
Sắc Chàm III cũng là triển lãm đánh dấu sự kết thúc của giai đoạn I trong việc tổ chức triển lãm nhóm. Đây là triển lãm đánh dấu sự trưởng thành và là bước tiến mới của họa sĩ Bắc Kạn trong thời gian tới.
Triển lãm “Sắc chàm III” đã thành công khi thu hút được sự chú ý của đông đảo người yêu tranh, yêu nghệ thuật. Và hơn hết, Sắc chàm III đã thành công khi mang đến cái nhìn đa chiều về bản sắc vùng cao, về đặc trưng đời sống sinh hoạt, phong tục, tập quán, văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào dân tộc thiểu số nơi núi rừng Việt Bắc. Từ đó công chúng yêu hội họa hiểu hơn về sự phong phú và đa dạng trong đời sống, văn hóa, mảnh đất và con người vùng cao.../.