Đa sắc màu tại triển lãm “Sắc chàm nơi đầu nguồn sông Cầu”

BBK - Diễn ra từ ngày 26/4 - 03/5 tại Nhà Văn hoá tỉnh Bắc Kạn, Triển lãm mỹ thuật “Sắc chàm nơi đầu nguồn sông Cầu” lần thứ nhất, năm 2024 do Hội Văn học nghệ thuật tỉnh phối hợp Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tỉnh Bắc Kạn tổ chức, đã thu hút đông đảo người yêu nghệ thuật đến thưởng lãm.

Đây là lần đầu tiên các họa sĩ Bắc Kạn tổ chức triển lãm “Sắc chàm nơi đầu nguồn sông Cầu” (triển lãm) trong không gian mở ở thành phố Bắc Kạn nhằm giới thiệu những “đứa con tinh thần” ấn tượng, sinh động, có tính ý niệm cao từ những góc nhìn đa chiều, mang đậm dấu ấn từng cá nhân.

anh1.jpg
Lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn trao tặng tranh cho đại biểu Trung ương tham dự “Tuần Văn hóa - Du lịch” tỉnh Bắc Kạn năm 2024.

Triển lãm trưng bày và giới thiệu gần 80 tác phẩm nghệ thuật bao gồm nhiều đề tài, chủ đề khác nhau, từ đến câu chuyện thiên nhiên, đến câu chuyện tình yêu, cuộc sống, con người... Ngôn ngữ hình ảnh thiên về cảm xúc riêng tư mạnh mẽ, màu sắc vừa tương phản, vừa hài hòa.

z5394254671954_7cabf979711f61c18ae7dcbb2cc4e175.jpg
Triển lãm mang đến cho người xem nhiều ấn tượng sâu sắc.

Mang đến triển lãm 03 tác phẩm, chị Nông Thị Tô Hường, Hội viên Hội VHNT tỉnh giới thiệu đến người xem câu chuyện về vùng đồng bào dân tộc qua tác phẩm "Mùa hoa bjoóc mạ"; "Bản Chiêng mùa hoa móc" và "Bâng khuâng". Mỗi tác phẩm gợi nên một tâm tư, một suy tưởng, một vùng cao rất riêng.

Chị Tô Hường cho hay, việc tham gia triển lãm là cách để các họa sĩ trên địa bàn tỉnh có điều kiện giao lưu, giới thiệu những góc nhìn đa chiều trong mỹ thuật, từ đó nâng cao kỹ năng, sáng tạo nhiều hơn các tác phẩm mới.

Theo chị Trần Hằng, hội viên Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tỉnh Bắc Kạn, triển lãm là không gian rất quý để nghệ sĩ trao đổi kinh nghiệm sáng tác. Trong các tác phẩm, yếu tố truyền thống và đương đại hòa quyện với nhau, tạo thành những câu chuyện, gây ấn tượng thị giác mạnh mẽ.

“Sắc Chàm nơi đầu nguồn sông Cầu” đem đến những câu chuyện riêng, góc nhìn riêng về những ngôi nhà sàn ẩn hiện trong sương sớm, đêm trăng và những công việc thường ngày như quay sợi, dệt vải, thêu thùa, những bộ trang phục truyền thống sặc sỡ của các thiếu nữ dân tộc thiểu số… thông qua các chất liệu như: Khắc gỗ, sơn dầu, bút sắt, sơn khắc, acrylic.

z5394236556750_bd27eed40be3480909434a05939515b8.jpg
Hoạ sĩ Trần Giang Nam chụp ảnh lưu niệm với khách tham quan.

Thưởng lãm các tác phẩm nghệ thuật trong triển lãm, chị Hà Thị Huệ, du khách đến từ Hà Nội cho biết: "Mỗi một tác phẩm có giá trị riêng, vừa gần gũi, vừa mới lạ, độc đáo. Đó là sự sáng tạo nghệ thuật nghiêm túc, tận tâm của người họa sĩ nhằm mang đến cho người xem những trải nghiệm thú vị, bổ ích. Các tác phẩm được họa sĩ trong triển lãm cho phép ghi hình, nhờ vậy tôi đã giới thiệu trên trang facebook cá nhân để gia đình, bạn bè cùng chiêm ngưỡng".

IMG_5295.JPG
Lãnh đạo tỉnh trao đổi với hoạ sĩ về tác phẩm.
z5394254679098_25969947e51b082f5197fb8462523b29.jpg
Triển lãm đem đến cho người yêu nghệ thuật những tác phẩm đặc sắc.

Triển lãm đánh dấu điểm nhấn trong sự nghiệp của các họa sĩ Bắc Kạn, tuy mỗi người một phong cách riêng nhưng đều đem đến cho triển lãm những màu sắc và hơi thở mang đầy cốt cách văn hóa dân tộc các tỉnh vùng cao. Triển lãm cũng khẳng định tài năng và hành trình sáng tác cũng như quá trình lao động nghệ thuật nghiêm túc của các họa sĩ.

Những tác phẩm mới lạ, độc đáo của các hoạ sĩ đã thổi một luồng gió mới vào sự phát triển chung của mỹ thuật tỉnh nhà. Mỗi tác phẩm được trưng bày tại triển lãm là đại diện cho tiếng nói của sức sống, vẻ đẹp cũng như đời sống văn hóa và tín ngưỡng giàu chất dân tộc của các tỉnh vùng cao. Người xem có thể cảm nhận và ấn tượng với những hình ảnh quen thuộc và gần gũi nơi vùng cao được các họa sĩ đưa vào tranh một cách tự nhiên và được thể hiện bằng cả trái tim.

DSC09352.JPG
Hoạ sĩ Trần Hằng giới thiệu tác phẩm "Thì thầm tháng 4" tới các đại biểu.

Họa sĩ Trần Giang Nam, Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tỉnh Bắc Kạn, cho biết: “Thông qua triển lãm, nhóm chúng tôi mong muốn truyền tải hơi thở, nhịp sống, màu sắc,… của nơi mình sinh ra và lớn lên tới công chúng. Màu chàm là màu của trang phục, của núi rừng, màu của bản sắc văn hóa vùng cao”.

Đến với triển lãm “Sắc chàm nơi đầu nguồn sông Cầu”, du khách và người dân có cơ hội được thưởng lãm những tác phẩm mang đậm màu sắc dân tộc. Đây là một trải nghiệm thú vị để cảm nhận về Bắc Kạn qua lăng kính hoàn toàn mới lạ và đầy cảm xúc…/.

Xem thêm

Video

Đọc báo in