Quốc hội thảo luận dự án Luật Phòng thủ dân sự

Chiều 09/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phòng thủ dân sự.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp.

Dự án Luật Phòng thủ dân sự được xây dựng trên cơ sở tổng kết tình hình thi hành các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động phòng thủ dân sự tại 63 tỉnh, thành phố và các bộ, ngành trung ương và tổ chức hội thảo xin ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, các bộ, ngành trung ương, địa phương.

Theo dự thảo, phòng thủ dân sự là bộ phận của phòng thủ đất nước, bao gồm các biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh, thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân. Hệ thống biện pháp phòng thủ được tiến hành trong thời bình và thời chiến, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do các loại vũ khí và phương tiện chiến tranh của địch gây ra, cũng như ứng phó, khắc phục hậu quả của thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh.

Các đại biểu cơ bản đánh giá cao quá trình nghiên cứu, xây dựng nội dung dự thảo luật của cơ quan soạn thảo. Nội dung cơ bản rõ ràng, hợp lý, tạo khung pháp lý chung nhất cho việc phòng ngừa, ứng phó, khắc phục thảm họa sự cố, bảo vệ tài sản, sức khỏe, tính mạng của nhân dân; cơ bản khắc phục được các nội dung còn chồng chéo, bất cập, chưa được đề cập đến tại các luật hiện hành liên quan.

Đại biểu Nguyễn Thị Huế (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) thảo luận góp ý dự thảo Luật Phòng thủ dân sự.
Đại biểu Nguyễn Thị Huế (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) thảo luận góp ý dự thảo Luật Phòng thủ dân sự.

Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Huế, Phó Chủ tịch UBND thành phố Bắc Kạn đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, quy định rõ hơn một số nội dung cụ thể như: Làm rõ hơn khái niệm “phòng thủ dân sự” theo hướng quy định những vấn đề chung nhất, không mang tính liệt kê hoặc gắn vào từng trường hợp thảm họa, sự cố cụ thể. Theo đó, đề nghị tiếp tục hoàn thiện 02 khái niệm “thảm họa”, “sự cố” để bổ sung cho khái niệm phòng thủ dân sự chặt chẽ và đầy đủ hơn.

Về “lực lượng chuyên trách” quy định trong dự thảo luật, đại biểu Huế đề nghị làm rõ khái niệm “chuyên trách” để rõ hơn nội hàm của lực lượng này. Đồng thời, đề nghị cơ quan soạn thảo xác định rõ lực lượng chuyên trách được tổ chức ở cấp nào, thẩm quyền điều động, chỉ huy và trang bị như thế nào đối với lực lượng này.

Đánh giá cao việc dự thảo dành riêng một điều quy định về ứng dụng KHCN trong lĩnh vực phòng thủ dân sự, tuy nhiên đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung hoàn thiện thêm nội dung này để bảo đảm việc ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng thủ dân sự không chỉ trong đầu tư, xây dựng công trình phòng thủ dân sự, dân sinh mà còn được ứng dụng cả trong các hoạt động và trang thiết bị phòng thủ dân sự.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị tách diễn tập phòng thủ dân sự riêng gắn với địa phương, địa bàn có nguy cơ cao xảy ra các dạng thảm họa, sự cố và giao cho cơ quan thường trực tại địa phương xây dựng kế hoạch, phê duyệt theo phân cấp để tổ chức diễn tập phòng thủ dân sự hằng năm.

Đồng thời, đề nghị nghiên cứu xây dựng lực lượng phòng thủ dân sự gồm lực lượng tại chỗ, lực lượng cơ động, lực lượng rộng rãi, theo hướng: Lực lượng tại chỗ gồm lực lượng dân quân tự vệ, dân phòng, công an xã, phường, thị trấn; lực lượng cơ động gồm lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm quân đội, công an và các bộ, ngành trung ương, địa phương; lực lượng rộng rãi do toàn dân tham gia. Theo đó, xác định rõ thành phần nhiệm vụ của từng lực lượng này để thuận lợi hơn trong việc huy động lực lượng, chỉ huy; tổ chức thực hiện có hiệu quả, kịp thời trong khắc phục thảm họa, sự cố.

Cuối phiên họp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang thay mặt cơ quan soạn thảo giải trình, tiếp thu các vấn đề đại biểu đặt ra trong phiên thảo luận để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp sau./.

Ái Vân

Xem thêm

Video

Đọc báo in