Dẫn chứng cho nhận định này, ông Trịnh Đức minh đưa ra những số liệu cụ thể, thuyết phục: Nhờ nguồn lực các chương trình MTQG, 04 năm qua, huyện Pác Nặm đã có 188 công trình được đầu tư xây dựng, trong đó có 126 công trình giao thông, 44 công trình văn hoá, 12 công trình thuỷ lợi và 06 công trình giáo dục được thực hiện; 36 công trình được duy tu, bảo dưỡng đảm bảo duy trì hoạt động bình thường của công trình; hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo làm mới nhà ở 142 hộ, sửa chữa nhà ở 23 hộ; hỗ trợ chuyển đổi nghề bằng hình thức mua máy móc, nông cụ sản xuất cho 24 hộ nghèo; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 1.700 hộ nghèo; hỗ trợ thực hiện 10 dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, 89 dự án phát triển sản xuất cộng đồng với 2.554 hộ tham gia, trong đó có 1.143 hộ nghèo, 663 hộ cận nghèo và 101 hộ mới thoát nghèo...
Diện mạo của huyện Pác Nặm đã có nhiều thay đổi, tác động lớn đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện, hạ tầng nông thôn được đầu tư xây dựng, thu nhập bình quân đầu người hằng năm tăng, đời sống của nhân dân vùng đồng bào DTTS từng bước được cải thiện. Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của huyện là 49,26% giảm 3,16% so với cuối năm 2022.
Từ thực tiễn triển khai và kinh nghiệm rút ra trong những năm qua, huyện Pác Nặm đề xuất một số giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả hơn nữa các chương trình MTQG:
Thứ nhất: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện chương trình MTQG phải có sự thống nhất và quyết tâm chính trị cao từ tỉnh đến cơ sở, đảm bảo vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp và người đứng đầu, cùng với sự gương mẫu, tiên phong, nòng cốt của cán bộ, đảng viên; nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp.
Thứ hai: Hệ thống văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành phải đảm bảo đồng bộ, kịp thời, cụ thể về nội dung, đối tượng, địa bàn, định mức và dễ hiểu, dễ áp dụng; có cơ chế đặc thù riêng trong thực hiện các nội dung hỗ trợ cho cộng đồng vùng đồng bào DTTS theo hướng giảm thiểu, làm gọn nhẹ các thủ tục để người dân có thể dễ dàng tiếp cận.
Thứ ba: Cần nghiên cứu tích hợp các dự án, tiểu dự án có cùng mục tiêu, nội dung thực hiện của các Chương trình MTQG và chương trình khác để triển khai thuận lợi và hiệu quả. Cho phép các địa phương được chủ động, tự quyết định việc điều chỉnh vốn từ các nội dung, dự án không còn đối tượng hỗ trợ, hoặc không giải ngân được vốn để bổ sung vốn cho các nội dung, dự án có khả năng giải ngân vốn trong các Chương trình MTQG.
Thứ tư: Thực hiện tốt công tác tuyên truyền về các chính sách của Chương trình MTQG, vùng đồng bào DTTS để đảm bảo nguồn lực hỗ trợ đúng đối tượng, địa bàn, đạt mục tiêu đề ra; quan tâm công tác tập huấn, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai chương trình các cấp.
Thứ năm: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đột xuất, định kỳ để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập còn tồn đọng; để đảm bảo nguồn lực phân bổ thực hiện đúng mục đích, không thất thoát, tiêu cực, lãng phí. Cần tiến hành sơ kết, đánh giá để rút kinh nghiệm và biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân làm tốt để nêu gương học tập và nhân rộng./.