Từ năm 2020 đến nay, diện tích trồng cây dong riềng của tỉnh Bắc Kạn liên tục giảm. |
Nhiều năm không đạt kế hoạch
5 năm về trước, gia đình ông Nông Văn Chi, thôn Nà Cà, xã Đổng Xá (Na Rì) trồng khoảng 5.000m2 cây dong riềng, mang lại nguồn thu nhập khá. Tuy nhiên, do con cái đi làm ăn xa, thiếu nhân lực, giá bán không tăng nhưng chí phí phân bón cao nên gia đình ông giảm dần diện tích trồng dong riềng chuyển sang loại cây khác. Hiện diện tích trồng dong của hộ này chỉ còn 1.500m2. Không riêng gia đình ông Chi, mà nhiều hộ dân của xã Đổng Xá cũng vì những nguyên nhân nêu trên, đã không còn mặn mà với cây dong riềng. Vì thế, diện tích trồng dong riềng của Đổng Xá giảm từ hơn 50ha năm 2020 xuống còn khoảng hơn 20ha trong năm nay.
Ông Sằm Văn Thường, Phó Chủ tịch UBND xã Côn Minh (Na Rì). |
Không chỉ Đổng Xá, những xã trọng điểm trồng dong riềng của huyện Na Rì như: Trần Phú, Quang Phong, Côn Minh... diện tích trồng dong riềng những năm gần đây đều giảm và không hoàn thành chỉ tiêu được giao. Năm 2022, toàn huyện trồng được 245ha/300ha, còn đến thời điểm hiện tại mới chỉ trồng được hơn 50% trên tổng số 300ha mục tiêu huyện đề ra cho năm 2023. Đây cũng là thực trạng chung của nhiều địa phương trồng dong riềng trên địa bàn tỉnh.
Kế hoạch phát triển chế biến sản phẩm chè và miến dong trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2020 - 2025 xác định, diện tích trồng dong riềng hằng năm ổn định 800 - 1.000ha. Tuy nhiên, từ năm 2020 - 2022, các địa phương thực hiện diện tích cây dong riềng đều không đạt kế hoạch giao, bình quân đạt 58,5%/năm so với mục tiêu đề ra. Tính đến hết quý I năm nay, diện tích trồng cây dong riềng của tỉnh là 316/480ha, đạt 66% kế hoạch, trong khi khung thời vụ sắp kết thúc.
Nếu không chặn được đà giảm diện tích vùng nguyên liệu và có giải pháp nâng cao năng suất cây dong riềng, các cơ sở chế biến miến dong của Bắc Kạn sẽ có nguy cơ "đói" nguyên liệu. |
Toàn tỉnh có hơn 50 cơ sở chế biến miến dong, tiêu thụ khoảng 80% nguyên liệu cho người dân, lượng tinh bột còn lại vẫn phải xuất bán ra tỉnh ngoài. Tuy nhiên, nếu diện tích trồng dong riềng vẫn tiếp tục giảm và không đạt kế hoạch, không có giải pháp thâm canh tăng năng suất dẫn đến nguy cơ không giữ được vùng nguyên liệu... Thì các cơ sở chế biến miến dong của tỉnh sẽ rơi vào tình trạng "đói" nguyên liệu.
Nếu phải nhập bột dong từ tỉnh khác về sẽ đội chi phí sản xuất, không bảo đảm chất lượng, ảnh hưởng đến thương hiệu và có thể các cơ sở chế biến miến dong của tỉnh sẽ "thua ngay trên sân nhà". Vì vậy, rất cần những giải pháp căn cơ, quyết liệt, đồng bộ của cấp, ngành chức năng để khắc phục khó khăn, vướng mắc trên.
Vì sao diện tích dong riềng liên tục giảm
Mặc dù gần kết thúc khung thời vụ trồng nhưng đến nay xã Côn Minh mới thực hiện được 30ha cây dong riềng, đạt 60% kế hoạch được giao. Đây là năm thứ hai liên tiếp, Côn Minh không hoàn thành chỉ tiêu trồng cây dong riềng, dù rằng đây là cây trồng chủ lực của địa phương.
Giá thu mua củ dong riềng vẫn giữ nguyên trong khi giá phân bón tăng cao là một trong nguyên nhân khiến người dân ít mặn mà với cây dong riềng. |
Lý giải về điều này, Phó Chủ tịch UBND xã Côn Minh, ông Sằm Văn Thường cho biết: Nguyên nhân chủ yếu là diện tích trước đây trồng xen kẽ, có 8 thôn là vùng lõi khu bảo tồn, trước đây khi chưa quy hoạch thì dân trồng vào, giờ không được phát phá nên diện tích bị giảm. Hơn nữa, một phần diện tích dong riềng trồng vào rừng xen kẽ, hiện cây lớn khép tán không trồng được. Nguyên nhân khác là thiếu nhân lực do nhiều thanh niên đi làm công ty nên nhiều hộ gia đình thu hẹp diện tích.
Còn tại huyện Ba Bể, hai năm trở lại đây diện tích trồng dong riềng trên địa bàn toàn huyện không đạt theo kế hoạch. Huyện chỉ duy trì thực hiện được khoảng 120ha/150ha kế hoạch mỗi năm. Ông Lưu Quốc Trung, Chủ tịch UBND huyện Ba Bể cho rằng: Diện tích giảm do một số hộ dân đã chuyển sang trồng loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn, một số khác do thiếu nguồn nhân lực thực hiện, giá phân bón tăng, trong khi giá bán củ dong riềng đôi khi bấp bênh.
Ngoài những nguyên nhân nêu trên, theo tìm hiểu của phóng viên tại các vùng trọng điểm trồng dong riềng và sản xuất miến dong của tỉnh, cây dong riềng giảm diện tích còn vì quá trình canh tác chưa thực sự có sự chỉ đạo, vào cuộc quyết liệt của cơ quan chuyên môn dẫn đến người dân chưa thâm canh trong sản xuất; phụ phẩm cây dong riềng chưa được xử lý để tạo phân hữu cơ cải tạo đất; liên kết giữa người trồng dong riềng và chế biến miến dong không chặt chẽ, ổn định, thiếu sự hài hòa về lợi ích giữa người sản xuất miến dong và người trồng dong (do giá dong riềng nguyên liệu thu mua thấp)...
Chế biến miến dong bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, đa số các cơ sở sản xuất miến dong trên địa bàn tỉnh còn sản xuất nhỏ lẻ, khả năng ứng dụng khoa học kỹ thuật, áp dụng hệ thống máy móc tự động hóa, công nghệ còn hạn chế; các sản phẩm miến dong chưa được nâng cấp, chưa phân khúc được thị trường để tạo các sản phẩm cao cấp, có giá trị kinh tế cao...Do vậy rất cần có giải pháp căn cơ để phát triển và nâng cao chuỗi giá trị của cây dong riềng trên địa bàn tỉnh thời gian tới./. (Còn nữa)