Phát triển kinh tế gắn với bảo tồn động vật hoang dã

BBK -Hiện nay, trên địa bàn TP. Bắc Kạn có nhiều hộ dân phát triển mô hình nuôi nhốt động vật hoang dã (cầy vòi hương, cầy vòi mốc, mang đỏ...), điều này không những giúp phát triển kinh tế mà còn góp phần giảm áp lực săn bắt động vật hoang dã trong môi trường tự nhiên, bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng.

Đầu năm 2021, anh Hoàng Văn Đức, ở thôn Nà Diểu (xã Nông Thượng) đầu tư hơn 100 triệu đồng xây dựng chuồng trại chăn nuôi cầy vòi mốc và cầy vòi hương với đầy đủ hệ thống xử lý chất thải bảo đảm vệ sinh môi trường, được cấp thẩm quyền cấp giấy phép cơ sở đủ điều kiện chăn nuôi động vật hoang dã.

Mô hình gây nuôi cầy vòi mốc và cầy vòi hương của gia đình anh Hoàng Văn Đức, thôn Nà Diểu (xã Nông Thượng).

Mô hình gây nuôi cầy vòi mốc và cầy vòi hương của gia đình anh Hoàng Văn Đức, thôn Nà Diểu (xã Nông Thượng).

Với 4 cặp cá thể giống ban đầu, đến nay cơ sở của anh Đức đã phát triển lên 23 cá thể. Anh Đức cho biết: “Nuôi cầy vòi hương và cầy vòi mốc không quá phức tạp. Thức ăn cho chúng chủ yếu là cháo và quả chuối. Cầy từ 14 tháng tuổi trở lên có thể đẻ từ 2-6 con/lứa, nuôi sau 8 tháng là đạt trọng lượng trên 3kg đối với cầy vòi hương và đạt trên 5kg với cầy vòi mốc. Hiện mỗi cặp cá thể giống có giá từ 15- 20 triệu đồng/tùy độ tuổi, cầy thương phẩm có giá bình quân 2,5 triệu đồng/kg. Cái khó nhất là kỹ thuật cho sinh sản và phòng bệnh. Ở tỉnh ta, người nuôi cầy còn ít, nên thường cung không đủ cầu. Do mới gây nuôi, nên tôi tập trung vào nhân đàn, chứ chưa xuất bán kiếm lợi nhuận”.

Hiện nay, toàn thành phố có 18 cơ sở nuôi sinh sản, sinh trưởng động vật hoang dã, trong đó có 08 cơ sở nuôi động vật quý, hiếm nhóm thuộc phụ lục CITES (Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp) gồm 124 cá thể cầy vòi hương, cầy vòi mốc đã được Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Kạn cấp mã số cơ sở nuôi và 10 cơ sở nuôi động vật rừng thông thường với hơn 600 Mang đỏ, Dúi, Nhím. Có nhiều cơ sở nuôi trên 100 cá thể cho thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm như ông Quách Đăng Hiển (phường Phùng Chí Kiên), Phan Văn Quang (phường Sông Cầu), Trần Văn Thế (xã Dương Quang)...

Nuôi cầy vòi mốc đã mang lại nguồn thu nhập cho gia đình ông Quách Đăng Hiển (phường Phùng Chí Kiên).

Nuôi cầy vòi mốc đã mang lại nguồn thu nhập cho gia đình ông Quách Đăng Hiển (phường Phùng Chí Kiên).

Ông Đinh Tiến Toàn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm TP. Bắc Kạn cho biết: Những năm gần đây, thành phố đã quan tâm và tạo điều kiện cho người dân phát triển mạnh nuôi nhốt động vật hoang dã. Người dân có nhu cầu, làm đơn gửi đến Hạt Kiểm lâm thành phố. Hạt sẽ hoàn tất các thủ tục cho người nuôi chỉ trong vòng 7 ngày (tính từ ngày gửi đơn). Việc xuất bán động vật hoang dã cũng được cán bộ tạo điều kiện thuận lợi và kịp thời. Nhờ đó, trên địa bàn ngày càng hình thành nhiều cơ sở nuôi nhốt động vật hoang dã, góp phần cải thiện thu nhập, hỗ trợ công tác bảo tồn loài trong môi trường hoang dã, duy trì nguồn gen động vật nguy cấp, quý hiếm. Tuy nhiên, so với tiềm năng, việc phát triển nuôi động vật hoang dã còn mang tính tự phát, quy mô nhỏ lẻ.

Theo các hộ chăn nuôi, nuôi nhốt động vật hoang dã cho hiệu quả kinh tế cao, rất có tiềm năng phát triển. Điều kiện thuận lợi ở địa phương là nguồn thức ăn dồi dào, môi trường sống phù hợp cho động vật hoang dã sinh trưởng, phát triển tốt. Nhưng do chi phí đầu tư mua con giống cao, chuồng trại phải xây dựng đúng kỹ thuật, việc quản lý, kiểm soát tình hình giống, phòng bệnh trong chăn nuôi tương đối khó, các hộ chăn nuôi hiện chủ yếu học tập kinh nghiệm người đi trước; đầu ra con giống, con thương phẩm phụ thuộc vào thị trường, nên chưa dám đầu tư quy mô lớn. Các hộ chăn nuôi mong muốn được quan tâm hỗ trợ vốn, kỹ thuật, khuyến nông... tạo điều kiện cho người dân phát triển nuôi nhốt động vật hoang dã mạnh hơn nữa trong thời gian tới, nhất là việc phát triển liên kết chăn nuôi theo hình thức trang trại, tạo sự ổn định về đầu ra.

Có thể thấy, việc nuôi nhốt động vật hoang dã trên địa bàn TP. Bắc Kạn đang được người dân chú trọng và bước đầu mang lại hiệu quả khả quan. Cần có giải pháp thích hợp để bảo đảm phát triển bền vững các mô hình này, góp phần đa dạng hóa vật nuôi, hình thành các địa chỉ cung cấp giống vật nuôi hoang dã, cải thiện thu nhập cho người dân./.

Xem thêm

Video

Đọc báo in